Nên giảm thuế, xả quỹ bình ổn để kềm giá xăng dầu

P.V tổng hợp| 13/08/2012 05:45

Trong hai ngày cuối tuần qua, khá nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM ngưng bán với nhiều lý do. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai...

Nên giảm thuế, xả quỹ bình ổn để kềm giá xăng dầu

Trong hai ngày cuối tuần qua, khá nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM ngưng bán với nhiều lý do. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai... Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã gửi phương án tăng giá bán lẻ tất cả các mặt hàng xăng dầu lên Bộ Tài chính. Mức cao nhất được đề nghị là tăng giá xăng A92 lên 1.400 đồng/lít.

Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc sử dụng các phương án điều chỉnh thuế, xả quỹ bình ổn giá để giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Báo Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đề xuất tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối là hoàn toàn chính đáng và bất khả kháng, vì giá thế giới đã tăng khá mạnh trong mười ngày qua, cộng với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động đột ngột đã gây áp lực phải tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần xem xét mức tăng sao cho hợp lý.

“Tôi cho rằng mức tăng lên tới 1.400 đồng/lít như đề xuất của doanh nghiệp là quá lớn, chắc chắn sẽ gây sốc với doanh nghiệp và người dân. Theo đà này, chúng ta sẽ không thể ngăn cản một đợt tăng giá mới của hàng hóa tiêu dùng” - ông Doanh nhấn mạnh.

Xăng dầu đang là mặt hàng độc quyền nhưng giá được quản lý theo kiểu thị trường cạnh tranh

Theo ông Doanh, các doanh nghiệp hiện đang phải chịu quá nhiều áp lực từ tăng giá điện, nay thêm giá xăng dầu với mức tăng quá mạnh chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Với người tiêu dùng, sức mua gần đây đã vốn suy kiệt, nay nếu giá xăng dầu tăng mạnh như đề xuất của doanh nghiệp xăng dầu thì đại bộ phận người lao động, đặc biệt là những người làm công ăn lương, sẽ càng phải thắt lưng buộc bụng hơn trong chi tiêu hằng ngày.

Do đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc chia sẻ một phần nguồn thu ngân sách với người dân và cộng đồng doanh nghiệp bằng cách giảm bớt thuế nhập khẩu. Hiện mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng xăng dầu đang trong khoảng 10-12%. Trong nhiều lần giá xăng dầu giảm trước đây, Bộ Tài chính đã áp dụng phương án vừa tăng thuế vừa giảm giá thì nay trong điều kiện ngược lại, bộ nên để doanh nghiệp tăng giá một phần và giảm thuế một phần.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc ngưng trích quỹ bình ổn xăng dầu cũng là giải pháp cần được áp dụng. “Chỉ nên trích quỹ bình ổn khi giá xăng dầu thế giới ở mức thấp, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có lãi” - ông Long nói. Đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, theo ông Long, cần giảm lợi nhuận xuống để chia sẻ với người dân.

“Dù giá xăng thế giới tăng hoặc giảm thì doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu vẫn được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Nếu tính sản lượng hàng chục triệu lít xăng dầu được bán ra mỗi ngày thì lợi nhuận thu được lên đến hàng chục tỉ đồng” - ông Long nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị Bộ Tài chính cần xem lại cơ chế điều hành xăng dầu. Dù có đặt ra quy định không điều chỉnh quá 7% nhưng để doanh nghiệp quyết định tăng giá là sai, bởi Luật Giá nêu rõ đối với sản phẩm độc quyền thì Nhà nước vẫn định giá. Trong khi đó, Nhà nước lại quản lý theo kiểu thị trường cạnh tranh là không ổn khi thị trường xăng dầu Việt Nam đang trong tình trạng độc quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nên giảm thuế, xả quỹ bình ổn để kềm giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO