Năm 2015: Bức tranh tăng trưởng khá hỗn độn

08/01/2015 06:22

Giá dầu giảm dù làm ngân sách Nhà nước bị thất thu, nhưng lại là yếu tố tích cực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng.

Năm 2015: Bức tranh tăng trưởng khá hỗn độn

Frontier Strategy Group dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt hơn 10%, nếu giá dầu thô chỉ còn 50 USD/thùng.

Nhiều tín hiệu lạc quan về triển vọng của nền kinh tế liên tục được công bố vào những ngày cuối năm. Nguồn thu ngân sách Nhà nước, giá trị xuất nhập khẩu đều đạt các con số ấn tượng. Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 ước tính vào khoảng 5,98%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Dẫu vậy, có chút tiếc nuối khi đã 4 năm liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không vượt được mốc 6% hay cao hơn. Đối với một nền kinh tế còn non trẻ, đang tăng trưởng và cần tạo ra nhiều việc làm cho hàng chục triệu lao động, rõ ràng kết quả tăng trưởng năm 2014 vẫn chưa thực sự mang lại cảm giác nhẹ nhõm.

Bước sang năm 2015, bức tranh tăng trưởng dường như khá hỗn độn. Một mặt, nếu căn cứ vào xu thế tăng trưởng theo hướng cải thiện dần trong các năm qua thì mục tiêu 6,2% cho năm 2015 có lẽ sẽ đạt được.

Nhưng trên khía cạnh khác, diễn biến phức tạp về mâu thuẫn địa chính trị, cùng sự suy giảm của giá cả hàng hóa thế giới, đang mang đến thách thức không nhỏ cho Việt Nam trên con đường quay trở lại giai đoạn tăng truởng nhanh.

Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 doanhnhansaigon
Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2015

Một trong những thách thức lớn nhất là giá dầu thô đang giảm mạnh. Nếu so với cách đây hơn nửa năm, giá dầu hiện đã sụt giảm gần 50% và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Hiện ngành dầu thô tạo ra gần 8% tổng GDP của Việt Nam. Trong cơ cấu dự toán nguồn thu ngân sách cho năm 2015 của Bộ Tài chính, nguồn thu từ dầu thô là 93.000 tỉ đồng, chiếm 10,1% tổng thu ngân sách.

Vì vậy, nỗi lo của các nhà điều hành trước diễn biến giá dầu giảm cũng là điều dễ hiểu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu Việt Nam phải cắt giảm 30% sản lượng dầu khai khác, tăng trưởng sẽ chịu thiệt hại 1,2 điểm phần trăm. Nguồn thu ngân sách sẽ bị thất thu vài chục ngàn tỉ đồng.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp dầu khí có thể trì hoãn việc tìm kiếm các mỏ dầu mới, trong khi các dự án FDI trị giá hàng tỉ đến hàng chục tỉ USD như dự án ở Nhơn Hội (Bình Định) nhiều khả năng sẽ chậm khởi công so với dự kiến.

Nhưng không phải mọi thứ đều ảm đạm. Trên thực tế, ngành dầu khí tuy quan trọng nhưng chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn trong cơ cấu nền kinh tế (gần 8% GDP). Nếu so sánh với Nga - quốc gia có doanh thu xuất khẩu năng lượng chiếm đến 25% GDP và mang lại một nửa nguồn thu cho chính phủ nước này - tác động của giá dầu giảm đối với Việt Nam sẽ nhỏ hơn đáng kể.

Hơn nữa, đối với nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam, dầu thô là nguyên liệu đầu vào quan trọng, nên việc giá dầu giảm là tin vui lớn đối với doanh nghiệp cũng như người dân. Điều này có thể kích thích một làn sóng đầu tư sản xuất và tiêu dùng mới, hỗ trợ nền kinh tế và có thể bù đắp tác động tiêu cực do nguồn thu từ dầu giảm. Đó cũng lý do bắt đầu xuất hiện những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015.

Công ty tư vấn đầu tư vào các thị trường mới nổi Frontier Strategy Group (FSG), chẳng hạn, nhận định rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất vì giá dầu thô giảm sẽ kích thích sức mua và gia tăng lợi nhuận biên cho doanh nghiệp.

Theo FSG, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt gần 6%. Nhưng nếu giá dầu duy trì ở mức trung bình 70 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng đến 8,5%. Thậm chí nếu giá dầu thô chỉ còn 50 USD/thùng, tốc độ tăng trưởng sẽ là hơn 10%.

Thành tích tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay là 9,54% vào năm 1995 khi đất nước bắt đầu hội nhập quốc tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ cách đó 1 năm. Vậy liệu dự báo tăng trưởng năm 2015 của FSG có quá lạc quan?

Việc Việt Nam đột ngột tăng trưởng ở mức cao có lẽ là điều khó xảy ra vì nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức lớn chưa được giải quyết triệt để như sự yếu kém của hệ thống tài chính, thị trường bất động sản chưa hết khó khăn. Nhưng dù sao, việc giá dầu thô giảm có thể sẽ mang lại những kết quả bất ngờ, vượt ngoài mong đợi.

Một tín hiệu đáng mừng là giá cả hàng hóa suy giảm trong các tháng cuối năm đã góp phần khiến lạm phát năm nay rất thấp, chỉ khoảng 1,84%. Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ để chống lại các biểu hiện suy giảm của nền kinh tế nếu có. Hơn nữa, các bộ luật quan trọng như Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với những sửa đổi thông thoáng hơn cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng dầu thô hiện nay và bài học của Nga - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá dầu giảm - là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính sách phát triển của mình, giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu thô và tài nguyên thiên nhiên. Để có thể hướng đến tốc độ tăng trưởng bền vững hơn, điều cần làm có lẽ là đẩy nhanh tốc độ cải thiện thể chế kinh tế, đa dạng hóa các loại hình kinh tế, thực thi các chính sách cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy tính sáng tạo của nền kinh tế.

>Giá dầu giảm: Kinh tế Việt Nam được và mất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2015: Bức tranh tăng trưởng khá hỗn độn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO