Mùa vải chín cây

BÍCH HỒNG| 10/06/2017 06:18

Cách nay mười mấy năm, một ký vải đặc sản đã có giá 60 ngàn đồng, thời gian trôi qua, tiền mất giá mà giá vải không tăng, lại còn tụt dốc không phanh.

Mùa vải chín cây

Tháng 6 bắt đầu với màu vải nâu nửa xanh úa, vải sắp chín. Người Hà Nội gửi vội cân vải đầu mùa vào làm quà, nhìn quả vải to khác thường, ăn nhạt và gần như không có hương vị vải. Món quà vụng làm thấy thương lắm một thế hệ vừa lớn lên, ít thời gian để thấu hiểu cái sâu sắc của một món ngon xứ Bắc đang tàn phai.

Đọc E-paper

Vải thiều Lục Ngạn chẳng mất đi đâu cả. Nó vẫn ở đó, những vườn vải mùa này bắt đầu trải rộng màu đỏ đẹp đẽ của trái vải chín tới, nó chứa đựng sự hồi hộp mỗi khi các thương lái gọi điện báo giá thu mua. Nó thấm đẫm những lo âu khi ngóng về biên giới xem cửa khẩu xuất hàng thông thoáng hay lại ách tắc. Và giá mùa nào cũng thế, màu đỏ của vải Lục Ngạn càng lan rộng thì giá càng chao đảo, nhà cười nhà khóc cũng là lẽ thường tình của thị trường. Bà con nông dân Lục Ngạn chỉ mong mình không phải đưa vào diện "giải cứu".

Tháng 6 đến là lúc hình ảnh Lục Ngạn đẹp nhất, đặc trưng nhất. Dù đứng ở bất cứ đâu trên đất Lục Ngạn phóng tầm mắt ra xa, những chùm vải lúc lỉu chín đỏ là tất cả những gì ta thấy...

Một vườn vải có thể đem về cho bà con cả trăm triệu đồng nếu đường ra chợ hanh thông. Chắc người chủ vườn hy vọng tràn trề khi hái chùm vải đầu tiên chín đỏ điểm vài chiếc lá xanh đặt lên bàn thờ tổ tiên báo với các cụ một vụ vải mới đang đến.

Trái vải cũng tựa như đời người, lúc thăng, lúc trầm, không thiếu buồn, vui. Nhớ năm nào háo hức đến thăm Lục Ngạn mùa vải chín, bà con buồn nẫu ruột vì đường xuất hàng đi đang tắc, vải chín nẫu, hóa rượu ở cửa khẩu. Năm ấy mạng xã hội chưa phát triển, người trong nước không biết dân Lục Ngạn khóc trên vườn vải, chỉ thấy dọc quốc lộ 1A, vải Lục Ngạn bày san sát bán đổ bán tháo.

>>1kg vải thiều = 2 ly trà đá

Còn tại sao "vải Lục Ngạn" không xuất bán được thì chỉ người trồng vải mới hiểu. Khi món ngon trở thành đặc sản, nhà nhà đều phá vườn cũ để trồng. Vải lan sang các tỉnh lân cận, quy trình bón phân đều theo kiểu canh tác vô cơ, trái vải nhạt như nước lã, to gần gấp đôi loại vải đặc sản, giá rẻ còn một nửa. Thương lái ham rẻ, mua trộn vào vải Lục Ngạn đem xuất.

Chỉ lừa dối chất lượng được đôi mùa, diện tích những vườn vải "ăn theo" vải Lục Ngạn này đã kịp nở ra gấp mười, gấp trăm lần. Bất cứ ở đâu cây vải đậu được trái thì nông dân đều trồng. Nhưng cây mà sử dụng phân bón vô cơ thì cho quả không bao giờ giữ được hương vị gốc.

Không chỉ đường xuất khẩu tắc nghẽn, ngay cả thị trường nội địa cũng ngao ngán thứ vải mà tôi vừa nhận được như món quà quý gửi vào từ miền Bắc.

Thương vườn vải, cách nay mười mấy năm, một ký vải đặc sản đã có giá 60 ngàn đồng, thời gian trôi qua, tiền mất giá mà giá vải không tăng, lại còn tụt dốc không phanh. Miếng ngon đã phôi pha, mất mát, lại còn đẻ ra tư duy ăn xổi trên chính mảnh vườn của mình, thật buồn!

Người thành phố rất thích làm hiệp sĩ đi "giải cứu" nông dân. Cảnh bán dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi năm nào ở vỉa hè trước cửa Bộ Công Thương ở Hà Nội, việc hô hào trên mạng xã hội và báo chí giải cứu "người chăn nuôi lợn", rồi mía đường, hiện đang giải cứu trứng gà và năm nào cũng phải giải cứu vải.

Những công cuộc giải cứu sẽ vẫn diễn ra, chúng ta tìm mọi cách đổ lỗi cho một yếu tố ngoại lai của thị trường bên ngoài, mà không ai chấp nhận sự thật bên trong. Tại sao không giải cứu lối làm ăn chỉ cần lợi nhuận xổi, được năm nào hay năm ấy, những kiểu đầu tư không cần bền vững khi sử dụng hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt vô tội vạ, chỉ cốt có lợi nhuận.

Lâu dần người ở phố cũng nản chí trước cái liên minh "gian thương và người nông dân nhẹ dạ" với những sản phẩm không đủ độ "sạch và bền vững".

Và tôi đã khởi đầu mùa vải năm nay với trái to và nhạt như nước lã thế này!

>>Nông nghiệp Việt Nam: "Lạm phát" những cuộc giải cứu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa vải chín cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO