Môi trường và dân sinh nhìn từ Sơn Trà

HỒNG BÍCH| 06/04/2017 06:41

Mấy ngày gần đây, thông tin về môi trường tại bán đảo Sơn Trà với hình ảnh đào xới, băm nát đã hiện diện trên báo chí, truyền hình và các trang mạng xã hội.

Môi trường và dân sinh nhìn từ Sơn Trà

Trộm cát giữa đêm để xây đô thị. Xây cả trăm biệt thự khi chưa được cấp phép trong khu bảo tồn thiên nhiên. Xây khách sạn cao tầng trong khu di sản văn hóa. Những công trình làm tan rã những cộng đồng dân sinh hằng trăm năm để rồi "đắp chiếu" giữ đất chờ bán sang tay... Đó là những vấn đề phía sau một thị trường bất động sản nhộn nhịp.

Đọc E-paper

Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sơn Trà từ bao đời nay là lá chắn bão, là lá phổi của thành phố Đà Nẵng. Trước năm 1975, nó là khu vực cấm do người Mỹ đặt căn cứ quân sự phục vụ chiến tranh. Sau ngày giải phóng, đối với người dân, bán đảo này vẫn là khu rừng nguyên sinh và bí ẩn, không mấy ai tiếp cận.

Đến một ngày cuối năm 1989, lần đầu tiên với sự bảo lãnh của nhà lâm học lão thành Hoàng Đình Bá, chúng tôi mới được phép đặt chân lên Sơn Trà, mà cũng chỉ ở độ cao 200 mét, được ông truyền cho khái niệm về tương lai của khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong thành phố biển, những giá trị của nó về môi trường, về du lịch. Chỉ những năm gần đây chúng tôi mới thấy tận mắt những giá trị về bất động sản của bán đảo này.

Tuy nhiên mấy ngày gần đây thông tin về môi trường tại bán đảo Sơn Trà với hình ảnh đào xới, băm nát đã hiện diện trên báo chí, truyền hình và các trang mạng xã hội, sôi nổi trong các cuộc họp báo và sự lên tiếng phản đối của các tổ chức nghề nghiệp. Những người Đà Nẵng bị tổn thương chạm đáy trái tim khi những bức ảnh được chụp từ máy bay cho thấy những dải đất đỏ quạch thô thiển đang chiếm lĩnh, đang đè bẹp một phần không nhỏ diện tích bán đảo xanh.

Sự bức xúc của xã hội đã buộc vị chủ tịch thành phố phải kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt sai phạm của một dự án du lịch được triển khai mà chưa có đủ giấy phép xây dựng, đặc biệt chưa có báo cáo đánh giá tác động về môi trường.

Sự bức xúc của dư luận xã hội và sự cầu thị của chính quyền thành phố đã đem lại kết quả: Đà Nẵng quyết định dừng xây biệt thự trên Sơn Trà, đề nghị Thủ tướng xem xét lại quy hoạch du lịch tại khu vực bán đảo vừa được phê duyệt cách đây 4 tháng, đưa mục tiêu bảo vệ khu bảo tồn lên hàng đầu, hài hòa với mục tiêu phát triển lâu dài.

Đó mới chỉ là sự cầu thị của chính quyền thành phố. Nhưng cũng có một điều tốt với vụ việc này, dường như người dân Đà Nẵng đã tốt nghiệp thêm một khóa về bảo vệ môi trường, đã hiểu thêm về sự quý giá của lá phổi thành phố để không biến Sơn Trà thành một Hong Kong với lớp lớp nhà chọc trời.

Đà Nẵng có những khu vực nhạy cảm bao gồm bờ biển, dọc 2 bờ sông Hàn và bán đảo Sơn Trà - nơi đòi hỏi được quản lý và khai thác bởi một tầm nhìn cao để tạo nên thành phố văn minh, không chỉ trù phú mà còn phải đảm bảo về môi trường, nhân văn và kiến trúc đô thị.

Chính vì vậy, hai chục năm qua, trong cơn sốt bất động sản, Đà Nẵng đứng trước những cuộc đấu tranh về tư tưởng, về hướng phát triển để không bị sự lôi cuốn của những dòng tiền đầu tư bất chấp hậu quả cuốn phăng đi những giá trị đích thực.

Dự án phá rừng Sơn Trà

Bảo vệ môi trường ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh đất chật người đông, không thể chấp nhận mãi các công trình chen lấn nhau ra biển, tìm đường lên núi, chiếm lĩnh những vị trí đắc địa trong cơn sốt bất động sản du lịch. Dường như ngày càng nhiều những công trình với quảng bá đầy hoa mỹ về "đẳng cấp khác biệt" nhưng lại đặt trên nền tảng phá hoại môi trường, di tích văn hóa, lịch sử, và không tiếc lời ngợi ca khách hàng mua biệt thự, khách du lịch là những người tiêu dùng thông minh(!) Làm sao có thể bán một sản phẩm không mang dấu ấn của văn minh cho những người tiêu dùng có lương tâm và thông thái?

Những khu phố, những khu du lịch, những khách sạn 4 - 5 sao vẫn phải mọc lên ở nơi này nơi khác trong khi trình độ quản lý, ý thức môi trường còn chưa theo kịp tốc độ phát triển, còn bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích. Mỗi ngày, ở một nơi đang phấn khởi với một đô thị hiện đại xây dựng lấn biển, thì có hàng vạn, hàng triệu tấn cát được hút lên ở đâu đó để bơm vào.

Đó là sự thực đang xảy ra tại miền Trung. Chính ông Nguyễn Sự - cựu Bí thư Thành ủy Hội An, một người hùng bảo vệ môi trường và văn hóa cho di sản Hội An phải lên tiếng "Sẵn sàng đổ máu để giữ cát, giữ bờ biển Cửa Đại".

Mâu thuẫn về phát triển đã được đẩy lên cao như thế, khi những công ty cung cấp cát với lối làm ăn thiếu lương tâm sẵn sàng hạ chi phí bằng cách "trộm cát" ở các khu vực gần với công trình, bất chấp biển Cửa Đại đang bị xói lở.

Kể lại chuyện này để thấy, nếu không tìm kiếm, nhân rộng những công trình tốt, những nhà đầu tư tử tế, thì sự phát triển nhanh chỉ là vỏ bọc, phục vụ cho một tầng lớp riêng biệt, để lại bao hậu quả về môi trường sống, làm tan rã văn hóa một địa phương, một cộng đồng.

>>Điện gió có hại môi trường?

Hàng trăm nhà phát triển bất động sản đang rao bán căn hộ, biệt thự tạo ra "đẳng cấp sống khác biệt" cho khách hàng. Những quảng cáo như vậy có tạo ra những người thụ hưởng thật sự "đẳng cấp"?

Để làm một người có thái độ sống văn minh hay tiêu dùng thông minh không khó. Dù đi xe năm bảy tỷ đồng, có biệt thự ven biển, ven rừng, thì lối sống tách biệt đó chỉ là tách biệt với cộng đồng, rất dễ làm người ta trở nên ích kỷ, tự huyễn hoặc. Còn sống văn minh hơn thì chưa chắc.

Ngay tại khu vực đang xây dựng trái phép một trăm biệt thự trong khu bảo tồn quốc gia kia, hằng ngày các nhà khoa học nước ngoài và các tình nguyện viên người Việt đang chăm sóc, bảo hộ loài voọc chà vá chân nâu, đang mỗi ngày tổ chức tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. Ở đó một đạo diễn phim truyền hình không trồng các loại kỳ hoa dị thảo làm đẹp trang trại để đón khách du lịch mà kiên nhẫn trồng và chăm sóc các loại cây bản địa phù hợp với khu bảo tồn thiên nhiên, và ông luôn nói để du khách hiểu điều này. Sống theo tự nhiên chứ đừng đem sự thô thiển phá hoại một môi trường đang nuôi dưỡng đời sống và chuyện làm ăn của chính mình.

Và mới đây một nhà đầu tư resort ven bờ sông kể về việc đầu tư của anh rất thú vị. Không nói nhiều về số phòng, về đầu bếp đẳng cấp hay bể bơi hoành tráng và mơn trớn khách du lịch giàu có, nhà đầu tư nói về những viên gạch dùng để xây khu resort này. Những viên gạch ấy có giá đắt hơn các loại gạch sản xuất công nghiệp, là gạch không nung, không tiêu tốn nhiều tài nguyên, lại cách nhiệt, sẽ làm giảm điện năng tiêu thụ.

Trong resort này còn rất nhiều sáng kiến để quá trình xây dựng thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Và khách hàng của họ, quả thật sẽ có những chuỗi ngày nghỉ dưỡng ở một nơi thật đẹp, thật nhân văn. Cách đầu tư xây dựng như vậy sẽ phát triển kinh doanh tốt hơn lối làm ăn phá rừng, tranh núi, hút cạn cát biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môi trường và dân sinh nhìn từ Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO