Mặt trận ngoại giao mạng xã hội

KHẢI LY| 06/06/2014 04:32

Một nữ đạo diễn đem cuốn phim tài liệu mới hoàn thành sang Pháp chiếu giới thiệu kể...

Mặt trận ngoại giao mạng xã hội

Một nữ đạo diễn đem cuốn phim tài liệu mới hoàn thành sang Pháp chiếu giới thiệu kể, trong những ngày cuối tháng 5, đi đến đâu chị cũng nghe bạn bè người Pháp, Bỉ, Hà Lan hỏi thăm chuyện căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đọc E-paper

Các kênh truyền hình lớn của châu Âu đều đưa tin về Biển Đông và những diễn biến mới nhất quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu chiến vào sâu trong lãnh hải Việt Nam. Người dân châu Âu khá quan tâm đề tài này và thấu hiểu chuyện nước lớn, mạnh hơn lấn lướt các nước láng giềng. Nhiều người bày tỏ ý kiến ủng hộ Việt Nam phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Chợt nghĩ đến nhiều người nước ngoài đến sống lâu dài ở Việt Nam vì yêu mến một đất nước thân thiện, có nền văn hóa đặc sắc. Một người Pháp, ông Claude-M. Ballan, Tổng giám đốc Victoria Hội An Resort, đã sống ở Hội An hơn 13 năm và chưa hề có ý định quay về Pháp. Với những ai quan tâm, ông đều nói rằng ông yêu thích mảnh đất này và quý mến người dân cần cù, nhân hậu nơi đây.

Là nhà quản lý du lịch cao cấp, ông Claude Ballan rất quan tâm đến văn hóa Việt và công việc của ông không dừng lại trong phạm vi khách sạn ông quản lý. Ông tổ chức nhiều chuyến đi cho đồng nghiệp, khách mời là những người có chức vụ quan trọng ở Pháp đến tham quan các vùng dân tộc thiểu số trên núi, giới thiệu với họ vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa Việt để mời gọi họ trở lại Việt Nam.

Lại có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi dừng lại sáng tác vài ba năm, hằng ngày đưa lên mạng internet nhiều bức ảnh giới thiệu những điều tốt đẹp về Việt Nam. Từ đó, nhiều người hâm mộ những nghệ sĩ này đã đến để được nhìn tận mắt đất nước Việt Nam với nhiều tình cảm có sẵn.

Dù hàng trăm tổ chức nhân đạo phi chính phủ đang hoạt động ở Việt Nam không tham gia vào các hoạt động chính trị để có tiếng nói lên án Trung Quốc, nhưng sự ủng hộ của họ đến từ những việc làm cụ thể: sản xuất ra những bộ phim tài liệu, thực hiện các dự án giáo dục, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hóa, tạo việc làm bền vững cho nông dân... chính là sự ủng hộ hữu ích.

Việt Nam hơn lúc nào hết cần làm rõ sự thật đang bị Trung Quốc chèn ép, lấn át, xâm lấn lãnh hải, ngấm ngầm phá hoại về kinh tế để được quốc tế có động thái ủng hộ tích cực.

Nếu như trước đây chúng ta từng có một nền ngoại giao nhân dân xuất sắc góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, thì bây giờ ngoại giao nhân dân còn tích cực hơn nhiều, vì nó không chờ gặp gỡ trực tiếp, dòng thông tin trực tuyến nhờ internet đang chờ đợi mỗi trang web giao thương với nước ngoài của doanh nghiệp, mỗi một quảng bá xuất phát từ Việt Nam, mỗi blogger có trang cá nhân và đặc biệt là các hoạt động giao lưu trên Facebook rất đắc dụng để đấu tranh vì lẽ phải và bảo vệ dân tộc mình.

Nhiều blogger giao lưu với bạn bè khắp thế giới thông qua những bức ảnh, những bài viết bằng nhiều ngôn ngữ, thì nay là một cơ hội lớn để góp sức bảo vệ Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, đưa thông tin đúng đắn đấu tranh với Trung Quốc lên các mạng xã hội khắp thế giới.

Nhiều hoạt động đang diễn ra trên mạng internet mà chúng ta phải coi đó là cuộc sống thật chứ không "ảo" chút nào. Ví dụ, mới đây, ngày 27/5, Boston Global Forum, một diễn đàn của các học giả tại Đại học Harvard và vùng Boston (bang Massachusetts, Mỹ) đã công bố "Sáng kiến hòa bình cho vùng Biển Đông và Đông Nam châu Á".

Họ sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế trực tuyến vào ngày 2/7 cho công chúng toàn cầu theo dõi, bàn về giải pháp đảm bảo hòa bình trên Biển Đông. Diễn đàn do hai giáo sư nổi tiếng tại Đại học Harvard là Michael Dukakis (cựu ứng viên tổng thống Mỹ) và Joseph Nye điều hành.

Boston Global Forum mời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham gia với vai trò dẫn dắt, các khách mời là đại diện lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, các quốc gia liên quan đến tranh chấp trên biển như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc. Diễn đàn kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cử các quan sát viên đến vùng biển đang diễn ra tranh chấp, xung đột để quan sát và ngăn ngừa chiến tranh.

Cũng trong tuần qua, trên website whitehouse.gov, thỉnh nguyện thư phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc đã nhận được hơn 100 ngàn chữ ký điện tử của người Việt Nam trên khắp thế giới... Những sáng kiến như vậy người Việt nên phát huy mạnh hơn nữa để có tiếng nói ở khắp Đông Nam Á và thế giới.

>Bước đầu chiến thắng
>Những bài học mới về lòng yêu nước
>
Thư của mẹ...
>Những con thuyền dũng cảm ra khơi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mặt trận ngoại giao mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO