Lý Sơn, một ước mơ

BÍCH HỒNG| 24/05/2010 09:51

Đã là mảnh đất trong giao thương quốc tế kể từ thời các vương triều Chămpa, tiếp nối là con dân Đại Việt nên Lý Sơn từng có thời thịnh vượng không kém gì đất liền.

Lý Sơn, một ước mơ

Cách đây sáu năm, ông Nguyễn Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã chia sẻ một ước mơ biến đảo Lý Sơn thành một trung tâm du lịch biển. Đảo Lý Sơn ngày ấy còn nối với đất liền bằng những chuyến tàu chợ xa lắc, thỉnh thoảng tự dưng chết máy giữa khơi, làm mấy người khách nhát nước sợ chết điếng...

Lý Sơn lúc ấy giống như một hòn đảo bị bỏ quên. Người ta trồng tỏi trên đường băng của sân bay quân sự đã bỏ phế kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Các cô gái trên đồng tỏi xấu hổ bỏ chạy nếu thấy người chụp ảnh. Trên bàn ăn, khách có thể nếm một món hấp gồm 14 loài ốc biển. Cái ăn, cái làm của đảo còn rất thô sơ. Lý Sơn không điện, riêng hòn Bé còn không có nước ngọt.

Cụm tượng cao 4,5m trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã được khánh thành và gắn biển "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải"

Cả hòn đảo duy nhất một con đường liên xã. Hôm tôi ra đảo, thấy một con thuyền vội vã nổ máy chạy vào bờ. Thuyền chở người đi cấp cứu vì trạm y tế đảo không đủ phương tiện cứu chữa. Dân Lý Sơn cứ bám đảo sống theo đúng cách trời sinh voi sinh cỏ.

Cũng chính trong chuyến ra đảo này, tôi đã gặp một gia đình ngư dân đặc biệt: ông Nguyễn Lên cùng bảy anh em và các con cháu trai chỉ làm đúng một nghề vớt rác biển! Mỗi mùa mưa bão, cứ gió bắt đầu nổi cấp 6 là cả nhà mười mấy đàn ông lên thuyền ra khơi. Họ đi trong mưa bão đón luồng sóng để vớt đồ đạc trôi đến từ những con tàu đắm ngoài khơi Thái Bình Dương.

Cứ vật lộn trong những cơn bão như thế, đôi khi họ vớt được nhiều thứ có giá trị, nhưng thường chỉ là đồ bán phế liệu, đủ cho đại gia đình này có được tài sản lớn nhất là ba căn nhà cấp bốn có lát gạch bông. Lọ mọ trên biển trong bão táp, đã hai lần gia đình ông vớt được các thủy thủ tàu viễn dương nước ngoài trôi dạt trên biển. Tại sao họ lại chọn cái nghề rùng rợn như vậy? Ông Lên bảo không có tiền sắm tàu lớn, con cái không học hành gì mấy nên không biết cách nào thoát ra khỏi cái kiếp đội bão đi mò rác biển.

Cuộc sống như thế nên người Lý Sơn gần với cõi tâm linh nhiều hơn, mỗi bước đi ở đây đều bắt gặp thời khai thiên lập địa vùng đất mới. Một âm linh tự còn đứng đó, là nơi ngày xưa làm lễ tế sống những người lính triều Nguyễn đi Hoàng Sa cắm mốc biên giới và thu nhặt sản vật cho triều đình. Trên ngọn tháp cao rành rành bốn chữ “Chiến sĩ trận vong”.

Dưới chân tháp là những ngôi mộ gió đơn sơ khiến người hậu sinh thấy lòng rưng rưng. Du khách có thể đến thăm những khu mộ gió của thủy tổ tộc Phạm, tộc Trần, tộc Lê, lặng yên đi qua những nấm mộ phủ cát và nghĩ đến đội binh xuất quân từ Lý Sơn thẳng tiến ra biển Đông đầy bão táp để giữ mảnh đất máu thịt nhỏ bé ngoài trùng khơi.

Những người lính triều Nguyễn quê ở Lý Sơn đã can đảm tham dự buổi lễ tế sống mình ngày lên đường ra Hoàng Sa, họ hiểu chuyến hải hành đầy bất trắc ấy, cơ hội trở về là không nhiều nhưng họ vẫn đi. Giống hôm nay các ngư dân đảo cũng ra khơi, đi về phía vùng biển Hoàng Sa, ngoài miếng cơm, có lẽ dòng máu chảy trong họ vẫn là dòng máu đó, con cháu của các tộc họ đã từng trên 300 năm cung hiến những sinh mạng trai trẻ ra khơi giữ biên cương Tổ quốc.

Tại sao họ làm được vậy? Chỉ khi vào thăm nhiều gia đình, các đình chùa, nhà thờ tộc họ, tham dự những lễ hội tâm linh ở đảo, tôi mới cảm nhận được rằng, người Lý Sơn trước nay lãnh nhiệm vụ khó khăn như thế nhưng vẫn bền chí ra đi là vì đất này có một sức mạnh ở chiều dày văn hóa.

Những ngôi nhà trên 300 năm còn lưu giữ rất nhiều sách vở dạy làm người phải biết tận trung với nước, rất nhiều gia đình trong nghèo khó vẫn còn giữ những tấm sắc vua ban thưởng cho cha ông họ trong hành trình giữ đất. Truyền thống tận trung, yêu nước chính là nền tảng để các vua Nguyễn giao Hoàng Sa cho con dân Lý Sơn coi giữ, chứ không phải dân của các tỉnh khác, các đảo khác...

Đã là mảnh đất trong giao thương quốc tế kể từ thời các vương triều Chămpa, tiếp nối là con dân Đại Việt nên Lý Sơn từng có thời thịnh vượng không kém gì đất liền. Những ngôi nhà được chạm trổ công phu còn đó, những đình chùa của các dòng họ nổi tiếng trên đảo cho thấy rõ điều đó.

Đã đành mỗi thời có mỗi cách phát triển, nhưng kể từ ngày chúng tôi lắng nghe ước mơ của ông chủ tịch huyện đảo, muốn Lý Sơn thành một hòn đảo có tiềm lực về kinh tế, đủ sức đảm nhận vị trí quan trọng về quốc phòng, nhưng dường như đến nay chưa có nhiều thay đổi. Một con tàu cao tốc chở khách trị giá 20 tỷ đồng đã thay thế con tàu chợ ọp ẹp hay chết máy năm xưa. Bây giờ từ đất liền ra đảo chỉ chừng 30 phút. Một nhà máy nhiệt điện đang được xây dựng. Đã có một cầu cảng mới. Tỏi Lý Sơn đã đăng ký thương hiệu.

Nông dân, ngư dân Lý Sơn có thể nghĩ cuộc đời họ đang bước sang những trang mới khi những đoàn khách du lịch đang theo tàu cao tốc lên đảo. Thế nhưng, thay đổi như thế nào và bao giờ sẽ thật sự thay đổi thì có lẽ họ chưa hình dung hết được.

Chính ông Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn Võ Xuân Huyện cho biết, nếu chỉ đánh cá và trồng tỏi, hòn đảo quê hương ông không có cách gì khá hơn cái thời dân đảo được triều đình nhà Nguyễn chỉ định tham gia các đội quân binh đi bảo vệ và khai thác sản vật ở Hoàng Sa, và không thể yên lòng nhìn những con tàu bé nhỏ, đơn độc từ Lý Sơn nhắm đến Hoàng Sa đầy bất trắc.

Dân đảo Lý Sơn bàng hoàng thấy biển Đông mênh mông bỗng trở nên chật chội khi ngay trên lãnh hải Việt Nam, hằng đêm tàu thuyền của ngư dân nước ngoài sáng rực. Họ hoàn toàn bất ngờ trước sự chật hẹp của đại dương không chỉ vì tham vọng của các quốc gia trong khu vực, mà còn bởi khoa học và kinh tế đã phát triển đến không ngờ, phục vụ con người khai thác kinh tế biển. Trong bối cảnh ấy, những hòn đảo tiền đồn với chức năng là cửa ngõ để Việt Nam tiến ra biển cần được đối xử đúng với vị trí của nó.

Xây dựng kinh tế biển đảo không có nghĩa là dừng lại ở mức khai thác tiềm năng thiên nhiên, vị trí địa lý, mà phải đầu tư mạnh mẽ để mỗi tấc đất ngoài biển khơi sẽ trở thành một điểm tựa cho đất liền về tiềm lực kinh tế biển. Hầu hết quy hoạch của các vùng đảo Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch. Lý Sơn có thể thoát ra khỏi tương lai một hòn đảo nhỏ bé, với vài khu resort không đem lại mấy lợi ích cho người dân trên đảo nếu như được quy hoạch kết nối với Khu kinh tế Dung Quất.

Đảo Phú Quốc với đề án được xây dựng để trở thành một đặc khu kinh tế - hành chính trực thuộc Trung ương (hiện nay, các đảo lớn ở Việt Nam đều là huyện đảo trực thuộc tỉnh). Đảo Phú Quốc sẽ được Chính phủ cho phép thực hiện những thể chế đặc biệt để thu hút vốn và tự do kinh doanh. Được như vậy thì Phú Quốc mới có cơ sở để gọi những dự án du lịch 2 tỷ đô la Mỹ, có những trung tâm tài chính quốc tế, chứ không thể thỏa mãn với tương lai hòn đảo du lịch với vài cái casino dành cho người nước ngoài.

Chính phủ đã có quyết định đầu tư 162 nghìn tỷ đồng cho một số đảo phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế từ nay đến năm 2020. Tiền quá quan trọng, nhưng chưa đủ, phải có một cơ chế mở đặc biệt cho các huyện đảo như Lý Sơn tự tìm cách làm giàu. Có lẽ đó là con đường duy nhất đúng để mở những kho vàng trên những hòn đảo ngoài khơi, biến chúng thành thành trì vững chắc của đất nước trên biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý Sơn, một ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO