Lập lại trật tự: Không chỉ trên vỉa hè

GIA MINH/DNSGCT| 14/03/2017 06:34

Việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ là cuộc chiến đòi vỉa hè cho người đi bộ mà còn mang ý nghĩa xây dựng hình ảnh đô thị văn minh đang ngày càng mờ nhạt.

Lập lại trật tự: Không chỉ trên vỉa hè

2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đang vào một đợt lập lại trật tự vỉa hè bị người dân lẫn cơ quan nhà nước chiếm hàng chục năm nay. Động thái này không chỉ là cuộc chiến đòi vỉa hè cho người đi bộ như một vài tờ báo nhận định, mà còn mang ý nghĩa xây dựng hình ảnh đô thị văn minh đang ngày càng mờ nhạt.

Đọc E-paper

Thời gian qua, chính quyền 2 thành phố này đã mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố trung tâm. Các tổ công tác liên ngành đã tháo dỡ nhiều biển quảng cáo, xử phạt, tạm giữ nhiều xe máy và ô tô vi phạm. Tuy nhiên tại một số địa phương, tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, trông giữ xe, tập kết nguyên vật liệu còn diễn ra nghiêm trọng.

TP.HCM, đặc biệt là tại quận 1, được xem là nơi chính quyền có quyết tâm cao trong việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

“Cuộc chiến” lập lại trật tự đô thị tại trung tâm thành phố bắt đầu từ ngày 16/1, sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tán đồng kế hoạch của quận 1. Chủ trương này được thông báo cho các hộ dân, các hộ kinh doanh, bán hàng rong… trên địa bàn để sắp xếp lại việc buôn bán.

Ưu tiên hàng đầu của quận 1 là tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè, xử lý những vi phạm của cơ quan Nhà nước trước để làm gương. Hàng loạt các công trình như bồn hoa của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, bức tường trước trụ sở Bộ Công thương, trụ sở khu phố, chốt dân phòng… đều bị dẹp bỏ.

Các công trình của người dân như bậc tam cấp, thang dẫn bằng thép, tường lấn vỉa hè… nếu không tự nguyện dẹp, đều bị lực lượng chức năng tháo dỡ.

Tình trạng ô tô đậu trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường – một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng ở TP.HCM – cũng được quận 1 xử lý nghiêm. Những công xa đậu tràn lan trên vỉa hè đều bị đoàn liên ngành xử phạt hoặc cẩu về trụ sở.

Động thái kiên quyết “dẹp loạn vỉa hè” của quận 1 được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao, yêu cầu tất cả các quận huyện khác học cách làm này. Hàng loạt quận như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3… sau đó tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

>>8 sản phẩm thay đổi đô thị tương lai

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nhắc nhở phải làm đúng trình tự, quy định pháp luật. Với những công trình vi phạm, trước hết phải vận động tháo dỡ và có thời hạn, nếu người dân không chấp hành mới cưỡng chế.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất phức tạp. Các tuyến đường đều có nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè để xe, hàng hóa, bảng hiệu; các quán nhậu, cà phê vào ban đêm kê bàn ghế buôn bán.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy mỗi lần có đoàn đi kiểm tra, người dân dường như được báo trước nên dọn dẹp nhanh chóng và sau đó tình trạng lại như cũ. Rõ ràng trong lực lượng chức năng có người tiếp tay cho nạn lấn chiếm vỉa hè. Có khi đoàn xuống kiểm tra, xử phạt lấn chiếm vỉa hè còn bị kẻ xấu hành hung.

Lãnh đạo một số quận huyện đề xuất một số giải pháp trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè, đồng thời cam kết sẽ làm quyết liệt để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở tất cả các tuyến đường.

Làn sóng này cũng lan ra Hà Nội, Cần Thơ… Bộ Trưởng Công an Tô Lâm chỉ đạo lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tái diễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng ủng hộ, dặn dò “đừng để đầu voi đuôi chuột”.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung ngày 4/3 đã yêu cầu các lực lượng liên quan phải xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Tại hội nghị có nội dung bảo đảm trật tự đô thị, ông Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã nhiều lần ra quân, có nhiều bài học về việc này nên “không bàn nhiều”. Lãnh đạo TP. Hà Nội nói sở dĩ vi phạm tràn lan như hiện nay do nhiều địa bàn làm không kiên trì, lãnh đạo địa phương không quan tâm, nếu tất cả người đứng đầu thực hiện đúng chức năng thì hoàn toàn có thể làm tốt.

Ông Chung cho rằng trong việc giành lại vỉa hè “Hà Nội không ồn ào, không ra quân rầm rộ” mà làm một cách kiên trì, bài bản và bền vững.

Từ ngày 27/2, Hà Nội tập trung xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, lề đường ở những tuyến phố trung tâm. Những xe đỗ sai quy định bị cẩu đưa về trụ sở công an giải quyết, người vứt rác ở vỉa hè bị xử phạt. Để tránh tái lấn chiếm, công an một số phường còn lập chốt giữ vỉa hè cho người đi bộ.

>>Vỉa hè là của người nghèo?

Vào cuối tháng 3 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp với các doanh nghiệp tại Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Nội dung hội nghị này đang được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt yêu cầu cho các bộ, ngành thảo luận, xây dựng chương trình hội nghị. Trước mắt, có một số vấn đề đặt ra liên quan đến phát triển doanh nghiệp chung của cả nước; thực trạng “sức khỏe” cụ thể của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI; làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho tốt khi hiện nay mới có 1% số lượng doanh nghiệp toàn quốc đầu tư vào lĩnh vực này mà thôi.

Ngoài ra, cuộc gặp cũng đề cập đến việc phát triển khởi nghiệp và sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp; đánh giá kỹ hơn về sự phát triển về số lượng, đặc biệt là chất lượng sản xuất, kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp nói chung.

Chuẩn bị cho cuộc họp nói trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cuộc bình chọn các quy định pháp luật, sau khi tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách của các bộ, ngành và địa phương, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cuộc bình chọn đã được triển khai với 4 bước:

- Tập hợp các đề cử quy định từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.

- Sàng lọc các đề cử không phù hợp với phạm vi, tính chất và các giới hạn của cuộc bình chọn.

- Xây dựng danh sách ngắn các đề cử quy định tốt và quy định chưa phù hợp trên thông qua các phân tích độc lập của nhóm nghiên cứu của VCCI cùng hội đồng chuyên gia gồm 16 thành viên là những cá nhân nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí đánh giá chất lượng pháp luật.

- Xây dựng báo cáo tổng hợp các bài học kinh nghiệm từ phân tích nội dung và chất lượng của các quy định trong danh sách ngắn các đề cử.

Theo VCCI, văn bản pháp luật khi ban hành cần đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, thống nhất, tính khả thi, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát được nguy cơ nhũng nhiễu, đảm bảo ban hành và có hiệu lực đúng quy định.

VCCI cũng kiến nghị “Các bộ, ngành và cơ quan có liên quan cần tăng cường đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, đảm bảo luôn đăng tải công khai các thông tin trong quá trình xây dựng pháp luật”.

VCCI còn kiến nghị Thủ tướng xem xét biểu dương các bộ, ngành có quy định tốt và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm sửa đổi một số quy định có nội dung chưa phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lập lại trật tự: Không chỉ trên vỉa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO