Lấn vườn

KHẢI LY| 15/11/2014 00:49

Hai nhà hàng xóm có chung bờ rào, một bữa, ông hàng xóm đông con nảy ra ý đồ lấn đất, trồng một dãy chuối dọc theo bờ rào.

Lấn vườn

Hai nhà hàng xóm có chung bờ rào, một bữa, ông hàng xóm đông con nảy ra ý đồ lấn đất, trồng một dãy chuối dọc theo bờ rào.

Đọc E-paper

Như vậy là sự lấn lướt bắt đầu, cứ theo thời gian, mụt chuối nhảy đến đâu, đất của ông ta lan đến đó. Đó là câu chuyện lấn đất rất điển hình ở nông thôn. Nó cũng gợi lên hình ảnh vùng nông thôn tù túng, phép vua thua lệ làng, ích kỷ, cái nhà, cái vườn là biểu hiện quyền lợi cá nhân đặt lên trên cả tình nghĩa.

Và những biểu hiện đó đã lan tràn khi người nông thôn ra phố, trở thành người đô thị nhưng vẫn khó gạt bỏ những ganh ghét, tị hiềm, khó có sự "bắt tay" làm ăn, sinh sống theo quy định của luật pháp, và trên hết là của đạo lý.

Nhớ một hôm có cô phụ trách một trang thông tin du lịch của Nha Trang giới thiệu những dịch vụ của đơn vị mình. Cô theo dõi thấy có một "nick" lạ thường xuyên vào chia sẻ bài viết, nhưng không bao giờ "like" ủng hộ. Cô lập tức nghĩ đến tình huống xấu, có thể "nick" kia định "chia sẻ” để xây dựng hồ sơ cá nhân đẹp bằng công sức của người khác chăng?

Vậy là sự "chia sẻ” của "nick" lạ kia đã không được hoan nghênh đúng như tinh thần tiện ích mà Facebook đã cung cấp cho những người làm PR trên mạng xã hội! Nói cái tâm lý hẹp hòi tiểu nông nó theo lên tới mạng internet là như vậy.

Nhớ hai bạn trẻ cũng làm PR về du lịch. Hai đơn vị riêng biệt nhưng cứ như có thái độ "kình nhau". Một người nói mùa này phơi nắng tắm biển rất tuyệt, bờ biển Hội An rất đẹp. Người kia lập tức đăng hình mưa gió, than bão sắp vào. Cứ như Hội An của ai đó chứ không phải quê hương mình.

Dù còn trẻ nhưng họ không dám nhìn xa trông rộng, cạnh tranh sang tới Hawaii hay Phuket, Bali, cứ quanh quẩn lo đối đầu với đối thủ sát vườn như vậy, dù được ăn học, đào tạo với bao nhiêu khóa học đào tạo quốc tế, về với công việc cũng chỉ dám "chọi" lại đối thủ cùng ngành nghề ở ngay cùng địa phương.

Cái tâm lý tiểu nông vô hình đó tại sao lại có ở những người trẻ được đào tạo? Đó là vì chính các doanh nghiệp địa phương, những người làm chủ cũng chưa thoát ra cách nghĩ thiển cận.

Bởi vậy mới có cảnh một doanh nghiệp bỏ tiền ra đào tạo nhân viên tới nơi tới chốn, nhưng khi một doanh nghiệp cùng ngành khai trương cơ sở mới, họ trả lương cao hơn để lôi kéo nhân sự, đỡ tốn chi phí đào tạo, thế là mất người. Hành vi ấy có khác gì cảnh trồng chuối, trồng tre lấn vườn của nông dân?

Tư tưởng tiểu nông ấy chi phối rất nhiều trong đời sống và việc kinh doanh hằng ngày. Vào sinh hoạt trong một đoàn thể, hội nhóm, có người cân nhắc xem có được lợi gì cho cá nhân, mà quên rằng một tập thể nào đó được lợi sẽ giống con sóng lan ra, thế nào cũng tác động đến hội viên hoặc doanh nghiệp.

Chỉ cần thấy người khác nổi trội hơn, có lợi hơn chút đỉnh là không chịu tốn thời gian đóng góp, xây đắp, mà bỏ đi tìm nơi khác thấy có lợi trước mắt, nắm được vào tay. Nói những chuyện này lại nhớ câu đúc kết "Vườn chuối rộng ra, con đường hẹp lại".

Bây giờ trên truyền thông rất nhiều nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội mong muốn khơi dậy một lối sống, suy nghĩ rộng, thoáng, khơi dậy tinh thần phấn đấu nơi người trẻ.

Những người trẻ vừa ra đời chưa bao giờ nấu nổi bữa cơm đã muốn xin vốn cha mẹ mở cửa hàng kinh doanh thì làm sao có thể thương một đồng nghiệp cày cục khởi nghiệp năm bảy lần thất bại? Những người trẻ có cuộc sống sung sướng, các phương tiện hiện đại hỗ trợ tối đa nhưng vẫn mang tâm lý lấn lướt, hơn thua đồng loại.

Mình thành công trong học tập, công việc, nhưng phải được đặt trên nền tảng những người xung quanh mình thiệt thòi, thất bại thì mới thấy sự sung sướng được nhân lên. Tư tưởng thế nào thì hành vi thế ấy, liệu một người có thể đi mãi trên con đường thắng lợi với tâm thế hẹp hòi, ích kỷ như vậy không?

>Nhớ nhà, là nhớ… nhà nào?
>Món ngon quá khứ
>
Rau má ngày Hè

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lấn vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO