Lạm phát tiến sĩ và bài toán đào tạo nhân lực cao cấp

MỘC LAN/DNSGCT| 04/05/2016 06:45

Hai năm trước đây đã có không ít câu hỏi đặt ra về số lượng tiến sĩ quá lớn của chúng ta đang làm gì...

Lạm phát tiến sĩ và bài toán đào tạo nhân lực cao cấp

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội bàn tán khá nhiều đến vấn đề khoa bảng tại nước ta sau khi một thông tin xuất phát từ Học viện Khoa học Xã hội cho biết từ đầu năm đến tháng 4/2016 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công luận án và chỉ tiêu đào tạo tại cơ sở này trong năm nay là 350 tiến sĩ.

Đọc E-paper

Con số nói trên được xem là quá nhiều, nhưng có lẽ vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế nên có người đã trích dẫn thống kê cho cả năm vừa qua để minh họa cho nhận định này. Cụ thể từ tháng 1/2015 đến 31/12/2015, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ, nếu tính theo cơ học thì cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút có một tiến sĩ ra lò từ học viện này.

Sáng 22/4 vừa qua, trong cuộc họp báo giải thích thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ”, Giáo sư Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết con số trên vẫn còn… khiêm tốn, học viện có khả năng đào tạo nhiều hơn và khẳng định hiện nay Việt Nam vẫn còn ít tiến sĩ, ngược với nhận định của giới chuyên môn trong ngành giáo dục là đang có tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ ở nước ta.

Đây không phải là vấn đề mới phát sinh. Hai năm trước đây đã có không ít câu hỏi đặt ra về số lượng tiến sĩ quá lớn của chúng ta đang làm gì? Câu trả lời đáng tin cậy nhất, theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, vào thời điểm năm 2014 Việt Nam có hơn 24,5 nghìn tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó khoảng 12,3 nghìn tiến sĩ đang nghiên cứu khoa học, nhiều nhất là ở khu vực đại học với 7.959 người (65%), tiếp đến là các viện, trung tâm nghiên cứu và phát triển với 3.367 người (27%).

Về đầu ra của tiến sĩ được đào tạo tại học viện, giáo sư Vinh cho rằng không nên băn khoăn vì các nghiên cứu sinh gần như 100% là cán bộ đi học để nâng cao chất lượng, tầm nhìn. Hơn nữa nghiên cứu sinh tiến sĩ không chỉ đơn thuần làm công việc nghiên cứu mà còn được cung cấp luận cứ, kiến thức để phân tích và hoạch định chính sách.

Quan điểm này của người đứng đầu học viện dường như chưa đủ sức thuyết phục khi không ít đề tài luận án tiến sĩ mà nơi đây bảo vệ thành công cho thấy chất lượng chỉ hơn luận văn tốt nghiệp cử nhân đôi chút, đại loại như luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”. Đây là những đề tài dễ dãi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát tiến sĩ ở nước ta.

>>Khi “chất lượng cao” bị lạm dụng

Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Wasuda – Tokyo) nói rõ trong một bài viết rằng: Luận án tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế, như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa 3 vụ. Luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả các lý luận, các kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình.

Quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.

Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo mà là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Còn nghiên cứu sinh không cần phải có đề tài mới để được nhận vào chương trình tiến sĩ, nhưng phải có đủ trình độ để từ quá trình học, nắm được phát triển lý thuyết cơ bản và kiểm chứng lý thuyết bằng thực tiễn trong ngành trên thế giới, từ đó biết được vấn đề gì đã được nghiên cứu và cái gì chưa được giải đáp và từ đó có đóng góp mới về mặt học thuật.

Thế nhưng trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020, những người làm kế hoạch có suy nghĩ đơn giản là: để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa phải có một đội ngũ những nhà khoa học, cụ thể là đội ngũ những người có học vị tiến sĩ.

Chính vì vậy nhà nước đã cấp kinh phí cho quan chức đi làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ, xem văn bằng này là một trong những tiêu chuẩn đề bạt lên chức vụ cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng quan chức tranh nhau đi học, học giả lấy bằng thật và tập quán “phong bao” trở nên phổ biến trong các kỳ bảo vệ luận án.

Việc chạy theo số lượng trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ - sản phẩm của một cơ chế đào tạo nặng về thành tích, xem nhẹ chất lượng.

Theo quy chế hiện hành thì thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm tập trung đối với người có bằng thạc sĩ và 4 năm đối với người có bằng cử nhân, nhưng không phải lúc nào các đại học cũng tuân thủ quy định ấy. Điều này khác với cách đào tạo ở nước ngoài là không tùy thuộc vào thời gian mà chủ yếu là chất lượng nghiên cứu, nhất là không có nước nào đào tạo tiến sĩ trong vòng 2 năm.

>>Lạm phát đại học và chất lượng đào tạo

Liên quan đến thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết đến hết tháng 3/2016, cả nước có 192.500 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 1/5 số người thất nghiệp của cả nước.

Nếu so với thống kê cuối năm 2015, chỉ mới 156.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, thì trong vòng 3 tháng qua, danh sách này đã tăng thêm 36.000 người. Thời gian gần đây tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường tăng đáng kể, nhiều người cả 2, 3 năm vẫn chưa tìm được việc làm và chấp nhận những công việc trái tay để kiếm sống. Một số đông bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học hiện đang làm những công việc không cần bằng cấp đại học.

Tình trạng càng bức bách hơn khi phần lớn doanh nghiệp cho biết kỹ năng chuyên ngành của sinh viên tốt nghiệp còn thấp chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế này đã được dự báo từ lâu và nguyên nhân đã được làm rõ qua nhiều tổng kết của các chuyên viên trong ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Trước tiên là số lượng sinh viên đầu ra mỗi năm quá nhiều. Hiện tại, Việt Nam có hơn 500 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Việc mở cửa ồ ạt các trường đại học với chất lượng đầu vào thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tăng vọt. Đại học chúng ta chú ý đầu vào mà coi nhẹ đầu ra. Tâm lý người đi học là sau 4 năm ngồi ghế nhà trường thế nào cũng được cấp bằng.

Thứ hai, thực tế vấn đề việc làm ở Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp giải thể, đóng cửa.

Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ chính nguồn nhân lực được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí trong doanh nghiệp, khiến các nhà tuyển dụng từ chối hoặc phải đào tạo lại như các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang áp dụng.

Lời giải cho bài toán này là cần quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng mà đầu tiên là ở chất lượng đầu vào. Giáo dục đại học cần hướng tới năng lực và kỹ năng mà sinh viên thu nạp được sau 4 năm học. Nên nghiên cứu chương trình “thực tập sinh xí nghiệp” của Canada qua đó sinh viên được làm quen với một xí nghiệp nào đó trong suốt các kỳ nghỉ hè của 4 năm học tập. Điều này tạo sự gắn kết giữa đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng biết mình cần gì, để hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực tương lai cho mình.

Việc đào tạo đại học, cao đẳng cần mang tính ứng dụng thực tế, tránh tình trạng sinh viên sau khi ra trường vẫn chỉ có một lượng kiến thức lý thuyết mà chưa biết áp dụng như thế nào?

Để làm được điều đó, phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường nên dựa vào nhu cầu tuyển dụng trong tương lai của doanh nghiệp để đề ra chỉ tiêu tuyển sinh.

Với người lao động, trước tiên phải có định hướng việc làm tương lai ngay trong thời gian học tập, để tìm cách tiệm cận với thực tế công việc đó, trau dồi cho bản thân những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

Thực hiện được những điều trên đây, chúng ta có khả năng giải quyết được tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường, cũng như hạn chế lãng phí nguồn vốn của xã hội.

>>Châu Âu đã làm gì để giảm tỉ lệ thất nghiệp?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm phát tiến sĩ và bài toán đào tạo nhân lực cao cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO