Làm ăn với châu Âu: Chú trọng tiêu chuẩn về môi trường

HẢI VÂN thực hiện| 20/10/2016 06:32

Nếu Việt Nam muốn thâm nhập và đứng vững ở thị trường châu Âu, phải đi đầu trong các tiêu chuẩn về môi trường".

Làm ăn với châu Âu: Chú trọng tiêu chuẩn về môi trường

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông cho rằng: "Nếu Việt Nam muốn thâm nhập và đứng vững ở thị trường châu Âu, phải đi đầu trong các tiêu chuẩn về môi trường".  

Đọc E-paper

* Môi trường là vấn đề hiện rất nóng ở Việt Nam. Theo ông, các doanh nghiệp của Đan Mạnh tại Việt Nam đang nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ các doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp nâng chuẩn bảo vệ môi trường và lao động, bởi họ nằm trong top các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tiêu chuẩn sản xuất.

Hiện nay, người tiêu dùng phương Tây ngày càng quan tâm đến môi trường. Một doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc, vải phải được dệt theo cách thân thiện môi trường, lao động phải được làm việc trong điều kiện tốt...

Muốn thu hút đội ngũ lao động tốt, doanh nghiệp cần đáp ứng tốt hơn về lương, về điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường. Làm như thế không chỉ để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam mà còn đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng châu Âu.

* Các doanh nghiệp của Đan Mạch đã làm thế nào để cân bằng kinh doanh và bảo vệ môi trường?

- Trước hết, cần nhận thức rằng bảo vệ môi trường chính là biện pháp để kinh doanh thành công. Nếu dùng các tiêu chuẩn môi trường thấp để cạnh tranh thì chính là cạnh tranh để giành phần việc rẻ mạt nhất.

Muốn cạnh tranh để lấy được khách hàng phương Tây, bất kể là với mặt hàng gì, ô tô, điện thoại di động, quần áo..., doanh nghiệp Việt Nam cần cạnh tranh bằng tiêu chuẩn môi trường cao.

* Theo ông, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ học được gì từ các doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam?

- Các doanh nghiệp phương Tây cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất cao để người tiêu dùng tiếp tục mua sản phẩm của mình. Ví dụ, một trong những hãng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực may mặc là Nike. Họ đã phải thay toàn bộ cơ sở dây chuyền sản xuất ở Nam Á vì người tiêu dùng ở phương Tây không chấp nhận chuyện doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em, vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Đan Mạch mang theo công nghệ sản xuất của mình và chia sẻ các thông tin, kỹ năng trong việc nâng cao tiêu chuẩn. Đầu tiên, doanh nghiệp phải thiết lập tiêu chuẩn để nắm quy trình sản xuất một cách cụ thể, lập hồ sơ chi tiết mọi khâu sản xuất để có thể chứng tỏ với khách hàng về việc bảo vệ môi trường, điều kiện lao động, tuân thủ luật pháp...

Làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ có lợi thế khi tiếp xúc khách hàng và người tiêu dùng.

Chính phủ Việt Nam cũng đang nâng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và lao động. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Đan Mạch nói riêng và doanh nghiệp phương Tây nói chung đáp ứng đòi hỏi từ phía người tiêu dùng.

* Việt Nam đã có tới 130 doanh nghiệp của Đan Mạch hiện diện. Theo ông, điều gì đã thu hút các doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam?

- Điều đầu tiên tôi có thể nói chính là môi trường thuận lợi. Việt Nam đã có khuôn khổ chính sách và các quy định pháp luật tương đối đầy đủ. Thứ hai là lực lượng lao động dồi dào và khá hiệu quả.

Nếu có vướng mắc thì đó chính là cách diễn giải các quy định, luật lệ còn có phần khác nhau giữa các vùng. Sẽ tốt hơn nếu các quy định được diễn giải rõ ràng hơn và việc áp dụng các quy định thống nhất hơn.

Tôi nghĩ, Việt Nam có rất nhiều ưu điểm nên các doanh nghiệp Đan Mạch mới có mặt ở đây. Nhưng họ vẫn có một số mong muốn như trên để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

* Cảm ơn ông.

>Làm ăn với đối tác ngoại: Làm sao thắng thế?

>3 điều cần lưu ý khi làm ăn với nước ngoài

>Làm ăn với TQ: Cảnh giác với những nghịch lý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm ăn với châu Âu: Chú trọng tiêu chuẩn về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO