Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luật

13/07/2013 08:53

Thông tin “đề nghị quy định độ tuổi phụ nữ mang thai không được quá 33” của chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM và dự thảo xử phạt “1 triệu đồng hành vi vợ kiểm soát tiền của chồng” của bộ Công an đang gây xôn xao trong dư luận.

Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luật

Thông tin “đề nghị quy định độ tuổi phụ nữ mang thai không được quá 33” của chi cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình TP.HCM và dự thảo xử phạt “1 triệu đồng hành vi vợ kiểm soát tiền của chồng” của bộ Công an đang gây xôn xao trong dư luận. 

Chưa bàn đến tính khả thi của các quy định này nếu thành hiện thực, việc nhà quản lý mang tâm thế muốn luật hoá các quan hệ của đời sống gia đình, xác lập những quy định chủ quan của nhà làm luật, vô hiệu hoá những tính năng của đạo lý… là một xu hướng quản trị xã hội nên cổ vũ hay đáng lo ngại? Dưới đây là ý kiến của ông LÊ QUANG BÌNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường – iSEE về vấn đề này:

Ai cũng biết xã hội được vận hành dựa trên hai yếu tố chính: pháp luật và các chuẩn mực xã hội. Mục đích cuối cùng của pháp luật chính là bảo vệ quyền con người. Một điều luật được đưa ra phải đảm bảo được tính phổ quát, bình đẳng, không phân biệt đối xử, và cân bằng với các chuẩn mực xã hội.

Người làm luật cần nắm rõ điều gì nên đưa vào làm thành luật để mọi người tuân theo, và việc gì thì nên để xã hội tự điều chỉnh, dựa vào giá trị đạo đức cũng như quan điểm của xã hội. Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luật.

Một khi pháp luật vượt ra khỏi mục đích bảo vệ quyền con người, can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư, cá nhân thì chắc chắn điều luật, nghị định đó sẽ vấp phải nhiều phản ứng từ xã hội.

Ví như chuyện phạt người vợ vì kiểm soát tiền của chồng. Mối quan hệ hôn nhân hoàn toàn là thoả thuận dân sự, đơn thuần là một mối quan hệ xã hội. Người trong cuộc có quyền quyết định về mặt tài chính. Nếu họ không thống nhất được, ắt hẳn sẽ chính họ đưa ra những giải pháp khác. Nhà nước không thể nào quyết định, không nên quyết định thay họ ai là người giữ tiền hoặc phải chia đều tiền ra.

Hơn nữa, các khái niệm “kiểm soát”, “hào phóng”, “ki bo”, “tiết kiệm” chỉ là những quan niệm xã hội, chúng đa dạng, tuỳ thuộc hoàn cảnh của mỗi người, không có một ngưỡng chung để đo lường cho tất cả, vì thế không thể đúc thành luật được.

Một khi các điều khoản không có tính khả thi: khó định nghĩa, dễ tranh cãi, khó đo lường, dễ gây tuỳ tiện trong việc diễn giải, phân xử và tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cho cả một hệ thống, thì khi dự tính làm luật ắt sẽ bị phản ứng.

Thêm một ví dụ nữa, về việc cấm phụ nữ trên 33 tuổi mang thai, nếu có xảy ra thì thật sự điều luật này vi phạm quyền con người. Là phụ nữ, họ có quyền sinh con và pháp luật phải đảm bảo quyền này. Một trong những nguyên tắc quan trọng khi làm luật là sự bình đẳng. Cấm sinh con có nghĩa tước đoạt sự bình đẳng của con người, và phân biệt đối xử về tuổi tác.

Điều này dẫn đến một vấn đề lớn hơn, đó là cần phải xem xét khía cạnh quyền con người trong tất cả các văn bản pháp luật. Cần đặt ra câu hỏi liệu dự luật đó có ảnh hưởng xấu đến ai, có phân biệt đối xử hay không?

Đây là câu hỏi quan trọng mà luật pháp cần tính đến. Bởi nếu một khi các điều luật trên được thực thi, thì ảnh hưởng rất mạnh đến tính tự chủ của gia đình và quyền của các thành viên trong gia đình đó. Pháp luật chỉ nên can thiệp nếu trong gia đình đó xảy ra việc vi phạm quyền con người như bạo hành: cha mẹ hành hạ con cái, chồng đánh đập, đối xử tàn bạo với vợ.

Luật pháp cần được sự thoả thuận và thống nhất của toàn xã hội. Nếu không được sự đồng thuận của đại đa số người dân thì chắc chắn không thể đi vào cuộc sống. Việc trước khi đưa ra một nghị định, điều luật phải được tham vấn nhân dân, những người trong cuộc, các chuyên gia xã hội, các nhà làm chính sách là điều phải làm. Nhưng khâu quan trọng chính là tiếp thu các góp ý dựa trên nguyên tắc phổ quát, bình đẳng và không phân biệt đối xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không phải vấn đề gì cũng đưa thành luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO