Khi người trẻ tự học

THIÊN THANH| 17/07/2014 07:10

TS. Nguyễn Phương Mai, giảng viên đại học tại Hà Lan, tác giả của những cuốn sách "Tôi là một con lừa", "Con đường Hồi giáo", kể về những bạn trẻ mới quen thế này...

Khi người trẻ tự học

TS. Nguyễn Phương Mai, giảng viên đại học tại Hà Lan, tác giả của những cuốn sách "Tôi là một con lừa", "Con đường Hồi giáo", kể về những bạn trẻ mới quen thế này:

Đọc E-paper

Hoạt động ngoại khóa của Spread Out Academic

"Chừng vài tuần trước khi cuốn Con đường Hồi giáo xuất bản, tôi có một cuộc nói chuyện trên Facebook với bạn Tôn Nữ Tường Vy, một sinh viên tại TP.HCM. Em ngỏ ý muốn mời tôi làm diễn giả đầu tiên cho CLB Học thuật lan tỏa mới thành lập, đề tài về Hồi giáo. Dù có một chút non nớt về chuyên môn, nhưng với một nhóm sinh viên 25 người trẻ măng, tôi khá bất ngờ trước sự chỉn chu trong việc tổ chức".

Đó là việc khán giả phải trả lời một số câu hỏi để sàng lọc trước khi nhận được giấy mời, có sự chuẩn bị kiến thức trước khi tham dự, sau event có bản tổng kết dựa vào băng ghi âm và các tài liệu tham khảo sâu. Tuy nhiên, điều khiến TS. Mai thực sự khâm phục các em là thái độ học hỏi rất văn minh.

Khi hàng triệu sinh viên than thở rằng ở Việt Nam không có môi trường học thuật và tự do học thuật, thay vì chỉ trách móc nhà trường hoặc xã hội, những bạn trẻ này đã quyết định không đổ vạ, oán thán mà bắt tay vào tự tạo ra sân chơi kiến thức cho mình.

TS. Mai muốn nhắc đến một tổ chức cộng đồng có tên Spread Out Academic Club được sáng lập bởi một nhóm người trẻ, đa phần là sinh viên đang ngồi ghế giảng đường của các đại học tại TP.HCM. Lướt qua danh mục các chương trình CLB đã tổ chức thấy thật ngạc nhiên về những vấn đề các bạn trẻ quan tâm.

Ngày 21/6 vừa qua, CLB đã tổ chức buổi chiếu phim "The Missing Picture" và Tọa đàm "Khmer đỏ - Ký ức và những nỗ lực hàn gắn", với lời giới thiệu: "Chiến tranh đã đi qua, chúng ta cũng chỉ biết qua sách vở, báo chí về những tội ác rùng rợn của Khmer đỏ ở Campuchia. Nhưng liệu chúng ta có biết trong chừng ấy năm, xã hội Campuchia đã có những nỗ lực nào để hàn gắn vết thương này? Liệu bạn có bao giờ tự hỏi một cựu binh Khmer đỏ sau khi hòa bình lập lại đã phải tái hòa nhập cộng đồng ra sao?".

Cùng với buổi chiếu phim là tọa đàm để khán giả có cơ hội nói lên suy nghĩ của thế hệ mình. Một chương trình khác là xem phim và tọa đàm về "Cây trồng biến đổi gen", những sinh viên đăng ký đến nghe đều phải trả lời phỏng vấn sàng lọc, sau đó được gửi tài liệu để nghiên cứu trước những thông tin nền tảng rồi mới đi dự nghe.

Chương trình có mời các chuyên gia nghiên cứu về công nghệ sinh học biến đổi gen để trao đổi với sinh viên. Rồi những lớp học ngoài trời về văn hóa tại làng nghề "Một thoáng Việt Nam", hay buổi tọa đàm chủ đề "Biển đảo quê hương", tọa đàm các vấn đề về xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông và ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long...

Chương trình tháng 7 khá hấp dẫn với các vấn đề về nước và môi trường, ngôn ngữ Hán - Nôm và một số quan điểm phản biện về dân tộc tính của chữ Nôm. Những chương trình ấy phải có tri thức "cứng cỏi" mới có độ quan tâm phong phú như vậy.

Khi chúng ta ngạc nhiên về những vấn đề các sinh viên này quan tâm thì cũng chính là sự thú nhận bất lực về giáo dục đại học quá bất cập đem lại hậu quả hàng triệu cử nhân ra trường thất nghiệp. Và các sinh viên đã khởi xướng một con đường tự học để đến với kiến thức mênh mông, mà TS. Mai đánh giá là được "cho không".

Các sinh viên này giỏi hơn ở chỗ có phương pháp tổ chức, tiếp thu kiến thức khoa học nền tảng. Biết tự học, lại tổ chức cho bạn bè cùng học như thế này quả thật là hiếm hoi trong bối cảnh đại học Việt Nam.

Tôi nhớ đến cách tổ chức của một đơn vị đoàn trường đại học "ép" sinh viên đi xem bộ phim "Mùi cỏ cháy" bằng cách điểm danh, vẫn không đạt được số lượng mong muốn. Và sau khi xem phim thụ động như vậy thì đem lại kết quả gì, nhận thức gì về chiến tranh hay trình độ làm phim điện ảnh Việt Nam, đều là câu trả lời khó!

Lại cũng nghĩ nhiều người luôn miệng nói đến chuyện phải cố gắng cho con "tị nạn giáo dục", ám chỉ là phải đi du học, mong chờ vào công nghệ đào tạo tiên tiến quốc tế. Phương án ấy không dở, nhưng cũng là tạo cho người trẻ con đường thụ động ngồi chờ cơ hội du học.

Nhưng nếu không có điều kiện ra nước ngoài, chẳng lẽ sinh viên Việt Nam chỉ biết ngày ngày tới giảng đường ngồi chờ giáo viên nhồi nhét kiến thức theo kiểu học sinh phổ thông?

Những mô hình như tổ chức cộng đồng Spreat Out Academic Club thật hiếm trong giới sinh viên. Tuy vậy, những người sáng lập ra cộng đồng này đang tận dụng kết nối dễ dàng với cộng đồng sinh viên trên mạng xã hội để khuyến khích tinh thần học hỏi. Và cũng chỉ biết mong rằng, những mô hình tự học như thế này sẽ tiếp tục xuất hiện.

>Đừng giận, khi người trẻ mê người trẻ
>Những người trẻ kết nối với lịch sử
>
Người trẻ kể chuyện lịch sử
>Gánh nặng trên vai người trẻ
>
Người trẻ bây giờ có nhiều thử thách khác trước
>Người trẻ và đất hứa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi người trẻ tự học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO