Khi cái ảo tấn công cái thực

TRẦN XUÂN TIẾN - Đại học Văn Hiến| 12/08/2017 01:43

Chúng ta đã đi gần hết thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ 21...

Khi cái ảo tấn công cái thực

Chúng ta đã đi gần hết thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ 21. Khoa học viễn tưởng, trong đó có ngành khoa học về robot, đã có những bước tiến về công nghệ vượt xa giới hạn suy nghĩ của nhiều người.

Đọc E-paper

Thế giới không còn xa lạ với lời cảnh báo về viễn cảnh robot có thể quay lại điều khiển con người. Nhưng có một hiện trạng khác, cũng thuộc về mối quan hệ giữa cái ảo và cái thật, đang trở nên bức thiết trước khi thực tế đó xảy ra. Hệ miễn dịch của thế giới thực mà chúng ta sinh sống đang ngày càng kém, bởi chính những cái ảo.

Người ta có thể tung tin đồn thất thiệt chỉ bằng thao tác đơn giản là tạo ra một tài khoản cá nhân ảo trên mạng xã hội. Tài khoản ấy có thể thoải mái, đường hoàng đăng tải những thông tin không kiểm chứng nhằm tạo nên những cái gọi là "sự thật được phanh phui" về một cá nhân, một tổ chức hay một sự kiện, sự việc bất kỳ.

Đáng buồn thay, một bộ phận người dùng mạng xã hội sau khi tiếp nhận những thông tin hư cấu đó, thay vì bỏ chút thời gian để tìm hiểu độ chính xác của thông tin, lại vội vàng tin tưởng, dễ dàng thỏa hiệp với sự nóng giận của chính mình và để sự nóng giận ấy chi phối lời nói, hành động của bản thân, dẫn đến những cơn sóng phẫn nộ đến nực cười, đáng thương, đáng trách.

Như vậy, đã tồn tại những thông tin ảo từ thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực đến thế giới thực. Đã có những trường hợp người bị hại, đơn vị bị hại phải cầu cứu các cơ quan chức năng, mong tìm lại sự trong sạch cho mình.

Song tin xấu thì lan nhanh đến chóng mặt, thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận, còn những lời cải chính thì lại chìm vào quên lãng, ít người ngó ngàng. Tất nhiên, tuy tác giả tạo ra những tài khoản ảo, những thông tin ảo đó là người thật, nhưng rõ ràng người thật ấy chỉ được nhận diện khi "vụ án" được điều tra đến cùng. Còn phần nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội sẽ "tự động" biến mất sau khi hoàn thành "nhiệm vụ lịch sử" của nó.

Chúng ta cũng ngày càng nhận được nhiều hơn những lời khuyến cáo phải cảnh giác với những chiêu trò trên mạng ảo. Nhẹ thì mua giùm thẻ cào điện thoại, nặng thì lừa tiền trúng thưởng, nặng hơn nữa là lừa tình.

Niềm tin giữa người với người đang đứng trước những thách thức đến từ những hệ lụy của thế giới mạng, thế giới ảo. Những chiêu trò cũng vẫn là sản phẩm của những đối tượng xấu có thực. Nhưng thế giới ảo đang trở thành môi trường mới, tốt hơn, để các đối tượng xấu này hoạt động.

Đến đây, chúng ta có thể đưa ra những kết luận thật rõ ràng, chẳng hạn như: hãy luôn tỉnh táo, cảnh giác với những sự thật đến từ thế giới ảo; đừng tiếp tay để cái ảo tấn công cái thực. Nhưng ai sẽ đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Cái ảo rồi sẽ phát triển ra sao cùng những hệ lụy của nó?

>Sẽ có thế hệ sống ảo nhiều, thật ít ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi cái ảo tấn công cái thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO