Hãy “tin ở hoa hồng”

Nguyễn Thị Hậu| 12/12/2021 06:15

Trong những ngày đại dịch, bị cách ly khỏi môi trường làm việc và giao tiếp quen thuộc, rất nhiều lần tôi tự hỏi, qua những ngày này, điều gì tôi cảm nhận rõ ràng nhất trong thời khắc khốc liệt vừa qua, khi gặp lại nhau, điều gì tôi sẽ chia sẻ và trông đợi nhiều nhất ở người thân, bạn bè...

Hãy “tin ở hoa hồng”

1. Bốn tháng TP.HCM trong tình trạng căng thẳng của đại dịch, bắt đầu từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lưu thông giữa thành phố và các tỉnh ngừng trệ, dân cư không được ra đường khi không có việc khẩn cấp, mà nếu phải đi thì cũng gặp nhiều chốt chặn. Một đô thị lớn như TP.HCM mà không có dịch vụ cung ứng cho đời sống thường nhật thì như cơ thể bị tắc toàn bộ hệ thống mạnh máu.

Thông tin trong những ngày đại dịch cũng nhiều chuyện đáng nói. Quy định về "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" không rõ ràng, gây khó khăn cho người dân và lực lượng kiểm tra, chốt chặn. Không nhất quán trong thông tin về thời gian và phương thức thực hiện các chỉ thị về giãn cách, cách ly, gây nên tâm lý căng thẳng, hoài nghi và không thể không tích trữ hàng hóa. Một số sự việc qua cách thông tin làm cho bản chất khác đi, gây bức xúc hoặc dư luận bất lợi, làm tăng thêm tâm lý bất an, không tin tưởng vào những biện pháp chống dịch và thông tin từ phía chính quyền. Những tin đồn, tin giả lan truyền trên mạng xã hội gây nghi ngờ, mất lòng tin vào công việc thiện nguyện - một hoạt động đặc trưng và phổ biến như một “thương hiệu” của thành phố.

Hai tính chất đặc trưng của đô thị hiện đại là giao thông và truyền thông. Khi hai lĩnh vực này tắc nghẽn thì đô thị sẽ rối loạn, ngừng trệ. Giao thông trong nội thành và liên vùng không thông suốt thì thành phố “ngừng thở”, truyền thông không kịp thời, minh bạch, rõ ràng thì người dân hoang mang và dẫn đến sự “bất tuân”.

Thông tin và giao thông thường tỷ lệ thuận về tác động của nó. Cả hai sự “lưu thông” này cùng có “sự cố” thì sẽ tác động đến “niềm tin” - yếu tố quan trọng nhất liên kết con người trong xã hội.

2. Nhưng cũng ngay trong những ngày đại dịch với bao mất mát, đau thương, những hành động tích cực vẫn phổ biến ở thành phố. Đầu tiên là hoạt động thiện nguyện của hàng trăm tổ chức, cá nhân đã kịp thời hỗ trợ cho hàng chục nghìn người nghèo, cứu trợ những xóm trọ của người lao động nhập cư, mua trang thiết bị y tế chống dịch gửi đến bệnh viện. Hoạt động thiện nguyện kéo dài trong vài tháng, sức người, sức của cũng hao mòn, nhưng không vì vậy mà mất đi tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn. Từ trái tim ấm áp, tấm lòng vị tha và kỹ năng cần thiết, những nữ tu góp phần xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh, mang lại bầu không khí dễ chịu phần nào trong những nơi đang chiến đấu căng thẳng với dịch bệnh.

Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất được thực hiện ở thành phố. Giữa những thông tin trái ngược nhau, việc chính quyền công khai nguồn gốc, loại vaccine và để người dân tự nguyện tiêm ngừa thể hiện sự tôn trọng quyền biết thông tin và tự quyết đối với sức khỏe, tính mạng của người dân. Trước tình trạng sống còn, nhiều người đã lựa chọn cách tốt nhất, vì quyền lợi và trách nhiệm với chính mình, sau là với cộng đồng.

Khi tình trạng tử vong vì dịch bệnh tăng cao, lực lượng quân đội đã đảm nhận việc tang lễ, nhận tro cốt thay gia đình người đã mất, sau đó lần lượt đưa về từng nhà. Đây là ý nguyện của người dân được chính quyền thành phố quan tâm và có giải pháp thực hiện kịp thời, đáp ứng tâm linh với người mất, lễ nghĩa của người còn sống. Những ứng xử này cho thấy chính quyền gần dân hơn, biết lắng nghe tiếng nói từ dân - có thể là rất khó nghe. Chính quyền đã làm những việc để người mất yên lòng, người sống yên tâm, giúp thành phố dần ổn định, trước hết về tinh thần. Nhờ đó, Sài Gòn từ từ vượt qua những ngày đại dịch nặng nề.

Niềm tin của xã hội có được từ sự minh bạch, trung thực, kịp thời của thông tin, hành động đúng và kịp thời của chính quyền.

3. Trong những ngày đại dịch cũng còn có những phát ngôn vô cảm, vô tâm, thậm chí lợi dụng tình trạng khó khăn để trục lợi; tin giả, tin đồn đánh vào lòng trắc ẩn của con người; hành vi quan liêu, hách dịch ngăn cản người dân thực hiện công việc cấp thiết; hay có nơi hàng hóa thiết yếu tăng giá nhiều lần khi người dân đã kiệt quệ.

“Những cơn mưa to thường làm rác rưởi nổi lên, nhưng khi nước rút thì rác rưởi sẽ đọng lại ở miệng cống. Chỗ của nó là ở đấy”. Đó là quy luật. Cảnh giác và loại bỏ các loại rác rưởi nhưng con người vẫn cần “tin ở hoa hồng”. Vì còn đó bao nhiêu con người thầm lặng cống hiến sức lực và của cải, tiền bạc cho công cuộc chống dịch bệnh. Những vấp váp, sai lầm, thậm chí tội ác của một số ít không làm lòng tốt mất đi, mà lại làm tăng thêm lòng hướng thiện và vị tha. Khi đã qua cơn đại dịch, chắc hẳn nhiều người sẽ bớt đi sự toan tính, tham lam, đố kỵ, kiêu ngạo. Sẽ biết yêu quý con người hơn, quý trọng hơn những ngày bình thường, những điều bình dị. Sau cơn thập tử nhất sinh, con người có thể yếu ớt về thể chất nhưng tinh thần sẽ mạnh mẽ hơn, bởi vì lúc đó mới nhận thấy rõ ràng một điều mọi người thường nói “đời người chỉ sống có một lần”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy “tin ở hoa hồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO