Gỡ khó cho hạt gạo xuất khẩu

ĐIỀN LANG/DNSGCT| 06/03/2017 06:41

Thủ tục cấp giấy phép đã nhiêu khê, điều kiện để thực hiện xuất khẩu gạo và duy trì giấy phép lại bất thường.

Gỡ khó cho hạt gạo xuất khẩu

Giá gạo thế giới chi phối ngành sản xuất lúa gạo trong nước thông qua kênh xuất nhập khẩu. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo bị điều chỉnh bởi Nghị định 109/NĐ-CP (NĐ109) ban hành năm 2010. Sau 6 năm triển khai thực hiện, văn bản quy phạm pháp luật này ngày càng bộc lộ nhiều trục trặc. Bộ Công thương đã thành lập Tổ biên tập và Ban soạn thảo tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật này để báo cáo Chính phủ trong quý II/2017.

Đọc E-paper

Bề nổi tảng băng

Tinh thần của NĐ109 là dựng lên những rào cản gia nhập thị trường, đặt ra những điều kiện để cấp giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo (gọi là thương nhân xuất khẩu).

Đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Thương nhân xuất khẩu phải có hệ thống kho chứa 5.000 tấn lúa và cơ sở xay xát 10 tấn lúa/giờ “phù hợp với quy chuẩn chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” (khoản b, c điều 4). Quy định cứng nhắc này không khuyến khích những doanh nghiệp tập trung phát triển gạo sản lượng thấp, chất lượng cao.

Chẳng hạn như trường hợp của Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú - doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ toàn cầu của USDA (Mỹ) và EU từ năm 2012. Riêng mặt hàng gạo, đầu năm 2016 Viễn Phú xuống giống 250ha với sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn. Xây dựng kho và cơ sở xay xát theo quy định hiện hành khiến bài toán đầu tư phi tối ưu, suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, những rào cản này cũng không khuyến khích chuyên môn hóa trong khâu dịch vụ hậu cần (kho, cơ sở xay xát) trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Nếu khuyến nghị bãi bỏ điều kiện ràng buộc về cơ sở hạ tầng được chấp thuận, nghiễm nhiên quy định về địa điểm đặt kho chứa và cơ sở xay xát nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo, hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu lúa gạo (khoản 2, điều 4) không còn ý nghĩa.

Việc áp đặt mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% sản lượng gạo mà thương nhân xuất khẩu trong 6 tháng trước đó (điều 12) cũng không nhận được đồng thuận từ dư luận. Bắt buộc doanh nghiệp gánh thêm chức năng dự trữ trong bối cảnh đầu ra gặp khó không thuận cả lý lẫn tình.

Bên cạnh những điều khoản vừa nêu, điều kiện cấp giấy phép còn bị thít chặt bởi Quyết định 606 được Bộ Công thương ban hành năm 2015, quy định về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu giai đoạn 2015 - 2020. Thương nhân có thành tích xuất khẩu gạo dưới 50 ngàn tấn/năm phải có vùng nguyên liệu năm đầu tiên là 500ha, từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm tăng thêm 300ha. Thành tích xuất khẩu gạo càng cao, diện tích mở rộng vùng nguyên liệu càng lớn. Sản lượng xuất khẩu từ 50 ngàn – 100 ngàn tấn gạo/năm: 800ha năm đầu tiên, từ năm thứ 2, mỗi năm tăng 500ha. Từ 100 ngàn – 200 ngàn tấn gạo/năm: 1.200ha năm đầu tiên, từ năm thứ 2 mỗi năm tăng 800ha. Trên 200 ngàn tấn gạo/năm: 2.000ha năm đầu tiên, từ năm thứ 2, mỗi năm tăng 1.500ha.

Về lý thuyết, QĐ 606 tiềm ẩn nhiều rủi ro với doanh nghiệp. Mở rộng vùng nguyên liệu tăng sản lượng, nhưng khả năng tiêu thụ phụ thuộc vào cung – cầu, chưa kể quỹ đất có giới hạn. Trên thực tế, văn bản này là không cần thiết.

Theo ông Ngô Văn Nam – TGĐ Công ty TNHH ADC, đầu tư vùng nguyên liệu là chuyện đương nhiên đối với những doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nên việc phát triển vùng nguyên liệu dừng lại ở mức độ khuyến khích dễ được chấp nhận hơn.

Vô lý như giá sàn

Thủ tục cấp giấy phép đã nhiêu khê, điều kiện để thực hiện xuất khẩu gạo và duy trì giấy phép lại bất thường. Doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký Hợp đồng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được trao quyền xác định giá sàn theo nguyên tắc “phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và thế giới” và “phù hợp với mặt bằng mua giá lúa và lợi nhuận của thương nhân xuất khẩu gạo” (điều 19, NĐ109) đồng thời giá hợp đồng không thấp hơn giá sàn (Thông tư 44/BCT-TT).

Quy định giá sàn với hàng hóa có biến động giá mạnh như gạo tiềm ẩn rủi ro. Lùi lại năm 2011, VFA điều chỉnh giá sàn 8 lần, trong đó 7/8 lần diễn ra trong quý I. Tần suất thay đổi dày đặc không chỉ khiến doanh nghiệp bị động mà còn gieo rắc tâm lý bất định về chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho những tính toán ngắn hạn, không mạnh dạn đầu tư vào cơ hội trong trung và dài hạn.

Qua tháng 5/2015, giá gạo trung bình xuất khẩu sang Trung Quốc, Guinea, Philippines, Haiti, Liberia… thấp hơn giá sàn so VFA công bố là 425 USD/tấn (giá FOB, bao 50kg) đối với gạo 25% tấm, theo thống kê của Agromonitor. Đây là cơ sở khiến dư luận hoài nghi có tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Tuần qua, dư luận xôn xao về tiết lộ của ông Ngô Văn Nam chung quanh chuyện để có giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp tốn “không dưới 20.000 USD”. PGS-TS. Vũ Trọng Khải nhận xét quan niệm giá sàn (khi xây dựng NĐ109) “vô lý lắm”. Giá sàn là công cụ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo nông dân có lời khi giá lúa nguyên liệu rớt. Không thể đưa giá sàn vào giá hợp đồng, hình thành trên cơ sở thương thảo giữa thương nhân xuất khẩu và đối tác. Thêm nữa, giá sàn cũng chỉ áp dụng cho gạo 5% tấm và 25% tấm, vốn là 2 dòng sản phẩm chất lượng thấp trong khi doanh nghiệp đang xuất khẩu nhiều loại gạo.

>>Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân có thực lãi 30%?

Chưa hết, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đăng ký hợp đồng với VFA, hồ sơ trong đó có hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Doanh nghiệp có cơ sở lo ngại bí mật kinh doanh bị rò rỉ. Bên cạnh đó, thương nhân cũng không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung (G2G) trong thời gian có giao dịch G2G, trừ khi được Bộ Công thương xem xét chấp thuận bằng văn bản (điều 15, TT 44/2010). Quy định này vô hình trung thiết lập một vùng cấm di động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tư tìm kiếm thị trường mới có nguy cơ trở thành chi phí chìm.

Việc xác lập “vùng cấm” dọn đường cho những điều kiện xuất khẩu gạo theo G2G. Phản ứng việc Bộ Công thương được trao quyền chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch G2G, doanh nghiệp than phiền bị phân biệt đối xử, “đơn hàng tốt không đến lượt (mình)”. Phần xương xẩu, thường khi giá lúa nguyên liệu tăng cao, đơn hàng G2G mới được “đẩy ra ngoài”.

Cầm chắc thiệt thòi nhưng những doanh nghiệp chưa đủ hạn mức xuất khẩu vẫn phải cắn răng chấp nhận nhằm duy trì thành tích – một trong những tiêu chí đầu tiên mà Bộ Công thương sử dụng làm căn cứ chỉ định… thương nhân đầu mối giao dịch G2G. Đòi hỏi cơ chế đấu thầu rộng rãi quyền đàm phán G2G là công bằng và chính đáng.

Tự do hóa thị trường

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 12 ra ngày 23/6/2006, chính thức quy định hợp đồng tập trung (G2G), phân giao hạn ngạch xuất khẩu, theo PGS-TS. Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TP.HCM). Thời điểm đó, G2G chiếm tỷ phần xuất khẩu lớn nhất. Phần còn lại Nhà nước cho phép xuất khẩu tự do. Diễn biến thị trường thế giới khá thuận lợi, giá gạo tăng liên tục do cầu vượt cung, khuyến khích hàng trăm doanh nghiệp thương mại trung gian ra đời, cạnh tranh nguồn gạo nguyên liệu. Không thu mua đủ lượng gạo xuất khẩu theo G2G đã ký, Chính phủ phải đền hợp đồng. NĐ109 ra đời. Tuy nhiên, quyết định can thiệp không những không hiệu quả, mà còn làm thị trường biến dạng.

Thất bại này của Nhà nước là cơ sở ủng hộ quan điểm tự do hóa thị trường. Nhiều ý kiến đề xuất gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo song song với thực hiện cải tổ triệt để VFA theo hướng hoạt động vì lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia theo quy luật thị trường.

Thực tiễn cho thấy NĐ109 trao cho VFA quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, VFA không hề bị ràng buộc trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra sự cố. Nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị thu hẹp vai trò và nhiệm vụ của VFA theo hướng là cơ quan cung cấp thông tin cho hội viên hơn là cơ quan điều hành chính sách xuất khẩu. Tuy nhiên, định hướng cải tổ VFA khó khả thi trong điều kiện thực tiễn hiện nay là quan điểm của TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

Khác với nước ngoài, mô hình hội ở Việt Nam chưa hình thành trên cơ sở tự nguyện. Thủ tục thành lập hội phức tạp, bị hành chính hóa do từng bước đều phải có sự chấp thuận từ những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bản chất hội vẫn là cánh tay nối dài của Nhà nước. Phương án cải tổ triệt để VFA đụng trần thể chế. Thành ra việc sửa đổi NĐ109 có lẽ nên được tiếp cận chừng mực như là cơ hội để chờ đợi tiến tới cải cách thể chế. Nghĩa là tầm nhìn vẫn chỉ dừng lại ở “tư duy gỡ khó”. "Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi…" (Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Dư luận thêm một lần hẫng hụt sau khi hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục được đưa vào danh mục những ngành kinh doanh có điều kiện sau khi sửa đổi Luật Đầu tư 2014. PGS-TS. Vũ Trọng Khải nhận định việc Nhà nước quản lý chặt chẽ ngành kinh doanh xuất khẩu gạo xuất phát từ quan niệm về an ninh lương thực.

Năm 2008, Chính phủ cấm xuất khẩu gạo sau khi giá gạo tăng đột biến. Doanh nghiệp trong nước bất lực nhìn Thái Lan “một mình một chợ”, bán gạo ào ào giá 1.200 USD/tấn. Lập luận an ninh lương thực không đồng nghĩa với “tự túc lương thực”, ông Khải đề xuất mô hình Quỹ Lương thực quốc gia, dự trữ bằng tiền thay vì trữ gạo như cách Cục Dự trữ Nhà nước đang triển khai. Quỹ dùng tiền thuê doanh nghiệp thương mại dự trữ luân chuyển, tránh gạo bị mốc. “B3tháng một vụ lúa, vùng canh tác trải dài từ Nam ra Bắc, chỗ này thất thì nơi kia cấy, không lo thiếu đói”, ông Khải nói.

>>Nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm kỷ lục

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ khó cho hạt gạo xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO