Giật mình với tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp

09/05/2012 05:49

Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê đã đưa ra một loạt chi tiết bất ngờ về tình hình "sức khỏe" thực tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Giật mình với tình hình

Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê đã đưa ra một loạt những chi tiết bất ngờ về tình hình "sức khỏe" thực tế của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ khó khăn hiện nay.

Thành lập - ít; thu hẹp, phá sản - nhiều

Gần 18.000 doanh nghiệp đã giải thể trong 4 tháng đầu năm

Theo nhận xét của Bộ chủ quản hoạt động đầu tư thì trong 4 tháng đầu năm 2012, chỉ số tồn kho doanh nghiệp tiếp tục tăng cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của Bộ cho thấy, 4 tháng vừa rồi có 23.971 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 130.044 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,1% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoat động tiếp tục tăng nhanh chóng lên 17.735 doanh nghiệp, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, TP.HCM có 5.822 doanh nghiệp với 808 doanh nghiệp đã giải thể, 5.014 doanh nghiệp dừng hoạt động. Hà Nội có 3.538 doanh nghiệp với 319 doanh nghiệp đã giải thể, 3.219 doanh nghiệp dừng hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo, vận tải kho bãi và bất động sản.

Báo cáo nêu rõ, trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn giải thể, có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại.

Như vậy, tính đến hết ngày 30/4/2012, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã được thành lập, cả nước còn 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 71,6%, có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký.

Mức 71,6% doanh nghiệp còn hoạt động trên tổng số đã thành lập từ khi đổi mới kinh tế cho đến nay, theo Bộ KHĐT là tỷ lệ chấp nhận được ở mức trung bình so với thế giới. Tại Anh, tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động cũng chỉ 70%; còn tại Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm hoạt động là dưới 50%.

Tuy nhiên, theo bộ KHĐT thì vấn đề đang lo ngại hiện nay là xu thế doanh nghiệp thành lập mới liên tục giảm sút, trong khi đó số lượng các doanh nghiệp đã phải thu hẹp, ngừng, thậm chí chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục tăng cao đã cho thấy doanh nghiệp nước ta đang gặp nhiều khó khăn. 

Không nộp thuế không phải vì không có tiền!

Còn theo như “Kết quả điều tra thực trạng và tình hình khó khăn của doanh nghiệp” do Tổng cục Thống kê thực hiện trên 10.120 doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu, sau 1 năm và 3 tháng hoạt động, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%, số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%.

Tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm cao nhất với 9,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 2,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với 2,6%.

Riêng ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, 4 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập là 239 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải thể, ngừng hoạt động tăng 32,9% so cùng kỳ, chiếm 5,7% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong tổng số 706 (8,4%) doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra có đến 69,4% là do sản xuất kinh thua lỗ, 28,4% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, 15,1% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 4,4% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh ngiệp mới/chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,7% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Trong số những doanh nghiệp phá sản, giải thể, có đến 89,7% cho biết sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.

Cũng tại bản báo cáo khảo sát lần này của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp không nộp thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt là 22,1%. Khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp không nộp thuế giá trị gia tăng/thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất với 38,4%.

Doanh nghiệp mù mờ với chính sách hỗ trợ

Khi được hỏi về tình hình vay vốn, có tới 46,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết về những chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp mình.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tới 41,9% doanh nghiệp không vay vốn. Trong số những doanh nghiệp đang vay vốn, đáng chú ý là có tới 75,3% doanh nghiệp nhà nước vay vốn từ ngân hàng quốc doanh trong khi doanh nghiệp FDI chỉ 25,4%.

Về vấn đề lao động, theo kết quả điều tra, hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước có số doanh nghiệp dư thừa lao động cao nhất với 13,8%. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 8,2% trong khi doanh nghiệp FDI chỉ 3,9% là thừa lao động.

Ngược lại doanh nghiệp FDI có tỉ lệ thiếu lao động cao nhất với 23,2%, đến khu vực doanh nghiệp nhà nước với 14,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 10,7%.

Có tới 54,8% số doanh nghiệp đang dư thừa lao động cho biết nguyên nhân do đang gặp khó khăn nên phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý đến 6 yếu tố gây cản trở lớn nhất đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thứ tự, các yếu tố này được sắp xếp lần lượt: lãi suất vốn quá cao (27,5%), lạm phát cao và biến động thất thường (19,2%), tiếp cận vốn khó khăn (17,5%), chi phí vận tải cao (9,6%), điện cung cấp không ổn định (7%).

Với những con số thống kê cụ thể như trên, nhà điều hành chính sách sẽ có cái nhìn toàn cảnh và chân thực hơn về bức tranh kinh tế, thị trường hiện nay. Bởi, có hiểu, có “bắt đúng bệnh” thì “phương thuốc” đưa ra mới phù hợp và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giật mình với tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO