Giám sát chặt việc thực thi Nghị quyết 19 năm 2018

TS. ĐẬU ANH TUẤN(*)| 04/06/2018 09:16

Từ góc nhìn doanh nghiệp, có bốn điểm liên quan đến phần thực hiện NQ 19/2018.

Giám sát chặt việc thực thi Nghị quyết 19 năm 2018

Nghị quyết 19 năm 2018 Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo (sau đây viết tắt là NQ 19/2018) được Chính phủ ban hành giữa tháng 5/2018, muộn hơn Nghị quyết 19 của các năm trước. Từ góc nhìn doanh nghiệp, có bốn điểm liên quan đến phần thực hiện NQ 19/2018.

Thứ nhất, cải cách việc gia nhập thị trường. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp trên bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước là rất thấp. Mục tiêu của Chính phủ là Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đang rất thấp, trong xếp hạng Doing Business, Việt Nam đứng thứ 123 trên thế giới.

Chỉ số khởi sự kinh doanh không chỉ có thủ tục thành lập doanh nghiệp mà còn nhiều thủ tục khác, như con dấu, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn, nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội. Singapore đang cải cách rất nhanh, công khai tất cả thủ tục xin giấy phép kinh doanh. Người dân làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh qua mạng, vừa minh bạch, vừa giảm chi phí.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể hài lòng về kết quả cải cách thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng cải cách về mã số thuế, con dấu và nhiều lĩnh vực khác còn hạn chế, thậm chí cải cách thủ tục hành chính điện tử mới chỉ ở mức độ 4. Trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phản ánh cải cách chậm. Chẳng hạn, doanh nghiệp đang bị cản trở bởi quy định tự kê khai mã ngành kinh doanh.

Trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp gần đây của VCCI, doanh nghiệp đã đề cập nội dung này. Rõ ràng quá trình chuyển động này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách thủ tục hành chính. Nhưng một điều ngạc nhiên là NQ 19/2018 không có chương trình cải cách các điều kiện kinh doanh của Bộ kế hoạch và Đầu tư, dù đây là đầu mối của Chính phủ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, cải cách thực chất điều kiện kinh doanh. Đang có tình trạng bỏ những điều kiện kinh doanh hầu như không thực hiện trong thực tế, hay gộp nhiều điều kiện kinh doanh thành một. Hoặc chuyển điều kiện kinh doanh theo hình thức quản lý khác, như quy chuẩn kỹ thuật hay lách một quy định mới để giữ nguyên tinh thần xin phép mới được cấp phép.

Gần như tất cả các ngành đều có chương trình rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Những chương trình cải cách mà các bộ, ngành đưa ra cần tránh tình trạng đối phó, chạy theo những con số không thực chất. Quan trọng hơn, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện NQ 19/2018, như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các cơ quan của Chính phủ cần có chương trình giám sát, theo dõi và cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất.

Cách thức thực hiện chương trình rà soát các điều kiện kinh doanh cũng rất quan trọng, không chỉ là cắt giảm số lượng 50% điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Thực tế cho thấy, các cơ quan đang có quyền cấp phép sẽ không có động lực để cải cách trong lĩnh vực cấp phép.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sẽ rất khó khăn, nếu Bộ Y tế giao Cục An toàn thực phẩm triển khai.  Do đó, việc các bộ giao cho các cục, vụ  tiến hành các chương trình cải cách hành chính không mang lại hiệu quả, trong khi một đơn vị độc lập như vụ pháp chế của các bộ sẽ làm tốt hơn việc trực tiếp sửa và đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Thứ ba, giám sát chặt việc thực thi NQ 19/2018 ở cấp bộ và cấp tỉnh. Hiện nay, nhiều bộ cho rằng, đưa ra một phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và ban hành chương trình hành động là xong nhiệm vụ. Cạnh đó, nhiều tỉnh cũng đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh bằng ban hành các nghị quyết.

Nội dung của các văn bản này, về câu chữ đều rất hay, đều theo hướng chỉ đạo của Chính phủ, theo tinh thần cải cách mạnh mẽ nhất, nhưng doanh nghiệp và người dân cần kết quả thực hiện từ chính các văn bản này. Những đánh giá hình thức như tỷ lệ hài lòng 80 - 90% không có nhiều ý nghĩa.

Năm 2018, lần đầu tiên Nghị quyết 19 giao cho các tỉnh xây dựng, đánh giá kết quả điều hành sở, ban, ngành, các ủy ban nhân dân. Rõ ràng, Chính phủ đã nhận ra vấn đề: cấp trung gian thực hiện mới là điểm số quan trọng quyết định đến thành công của chương trình cải cách hành chính. Thời gian tới, cấp tỉnh nên chuyển động theo hướng này.

Thứ tư, tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan. NQ 19/2018 chưa nói rõ tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan ở nhiều địa phương. Không ít doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc vẫn phải tiếp đến mấy đoàn thanh tra, kiểm tra trong một tháng. Thậm chí có xu hướng các đoàn thanh tra, kiểm tra thường chọn những doanh nghiệp lớn, nhãn hàng có danh tiếng để thanh tra, kiểm tra.

Trong khi đó, vẫn tồn tại tình trạng buông lỏng quản lý đối với những trường hợp kinh doanh không đáp ứng điều kiện kinh doanh. VCCI đã hơn một lần đề xuất việc rà soát pháp luật về thanh tra, kiểm tra hiện nay để xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, giảm thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Đồng thời siết chặt việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm pháp luật, không đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Đây là năm thứ 5 Chính phủ ban hành Nghị định 19. Quan trọng hơn cả là thực thi nghị quyết phải thực chất. Để NQ  19/2018 thực sự đi vào cuộc sống, phải phát huy vai trò giám sát của các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan độc lập.

(*) Tác giả là Trưởng Ban Pháp chế VCCI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giám sát chặt việc thực thi Nghị quyết 19 năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO