Giải pháp nào cho nghịch lý giá sữa?

TS BÙI VĂN DANH| 08/07/2009 00:30

Mấy năm qua, giá sữa ngoại cứ tăng liên tục, đánh mạnh vào túi tiền người tiêu dùng VN, mặc cho nỗ lực bình ổn giá của cá cơ quan có chức năng.

Giải pháp nào cho nghịch lý giá sữa?

Mấy năm qua, giá sữa ngoại cứ tăng liên tục, đánh mạnh vào túi tiền người tiêu dùng VN, mặc cho nỗ lực bình ổn giá của cá cơ quan có chức năng. Nhiều giải pháp bình ổn giá sữa nhập khẩu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, nhưng xem ra chỉ mới dừng lại ở giải quyết phần ngọn chứ chưa thể đụng đến phần gốc. Vấn đề không đơn giản, đến độ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phải chủ trì một hội thảo mang tên “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” tại Hà Nội vào ngày 7/7/2009. Bài viết này thử xem xét vấn đề dưới một vài góc độ ít được nhắc đến.

Ảnh minh họa

Thứ nhất, thông tin về sữa bột ngoại hiện nay chiếm tới 80% thị phần sữa tại VN (công ty sữa nội địa lớn nhất là Vinamilk chỉ chiếm 10% và các công ty khác chiếm 10% thị phần còn lại) nói lên điều gì? Đó chính là thế yếu của ngành sữa nước ta ngay trên “sân nhà”. Sâu xa hơn, đó là những hạn chế trong tầm nhìn, quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng. (Thực tế là diện tích trồng cỏ làm sân golf phình ra, diện tích trồng cỏ nuôi bò teo tóp lại).

Với tương quan thị phần như vậy, các công ty sữa nước ngoài “làm giá” là điều có thể hiểu. Cũng không thể không khen họ làm marketing tốt hơn các công ty sữa trong nước. Giải pháp quan trọng là chấm dứt những quảng cáo gây ngộ nhận (trước tiên là sửa Luật Cạnh tranh) và những hành vi phân phối phi đạo đức như thuê cán bộ y tế bán sữa hưởng hoa hồng ngay trong bệnh viện phụ sản. Kế tiếp, cần vận động người dân dùng sữa nội bằng những đợt truyền thông mạnh mẽ.

Thứ hai, xem lại thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường về doanh thu sữa bột từ tháng 3/2008 đến tháng 3/2009 của ba công ty sữa hàng đầu tại VN (đều là công ty nước ngoài): Abbott chiếm 32,8% thị phần, Dutch Lady và Mead Johnson lần lượt chiếm 25,3% và 11,65% thị phần. Theo Điều 11 Luật Cạnh tranh (doanh nghiệp có thị phần từ 30%, nhóm hai DN có tổng thị phần từ 50%, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường) thì rõ ràng ba công ty này đang thống lĩnh thị trường sữa VN.

Nếu chứng minh được họ lạm dụng ưu thế trên thị trường, liên kết khống chế giá thì có thể dựa vào Điều 13 Luật Cạnh tranh (cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây:…áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng) để phạt và ngăn họ “làm giá”.

Trong thực tế, các “đại gia” như Microsoft, Intel… thường xuyên đối mặt với các án phạt nặng đến vài trăm triệu đô la Mỹ từ EU, Hàn Quốc hay ngay tại Mỹ vì bị buộc các tội như vậy. VN chưa có Luật Chống độc quyền (Antitrust), lại lo ngại xảy ra phân biệt đối xử với các DN độc quyền nhà nước, quy định về các thủ tục giải quyết hết sức phức tạp… là những rào cản khắc nghiệt cho các giải pháp kiểu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp nào cho nghịch lý giá sữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO