Ghi ở đầu nguồn lũ

KHUYNH DIỆP| 22/09/2018 05:28

Năm nay lũ lớn, lại về sớm, nhưng nhờ hệ thống đê bao, nông dân huyện Tân Hưng (Long An) vẫn kịp thu hoạch lúa hè thu và cung cấp cá tra giống cho vùng nuôi cá thương phẩm xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ghi ở đầu nguồn lũ

Ao cá tra giống mới gầy dựng của nông dân Nguyễn Văn Thành

Làm mướn thời hiện đại

Những cơn mưa lớn cùng lũ từ sông Mekong đổ về làm vùng Đồng Tháp Mười lênh láng nước. Nhiều năm nay, nhờ nông dân gia cố đê bao chống lũ nên những cánh đồng lúa hè thu vào vụ thu hoạch vẫn bình an. Anh Nguyễn Văn Thành, người tỉnh Đồng Tháp sang lập nghiệp ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng từ sau ngày giải phóng, chia sẻ: "Có đê bao, bà con biên giới Hưng Điền B chúng tôi ngon giấc ngủ, mấy chiếc máy gặt đập liên hợp của cha con tôi vẫn nhong nhong đi cắt lúa mướn như trước khi lũ lớn tràn về”.

Tôi làm bạn với anh Thành cách nay 12 năm, hồi anh đại diện cựu chiến binh sản xuất giỏi tỉnh Long An ra Hà Nội dự hội nghị tuyên dương cựu chiến binh điển hình toàn quốc. Từ đó đến nay, mỗi lần biết tôi lên Hưng Điền B, Nguyễn Văn Thành giữ tôi ở chơi thật lâu với mảnh đất bưng phèn nhưng đã có nhiều nông dân giàu có.

Nguyễn Văn Thành tham gia kháng chiến từ thời niên thiếu ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, quê hương anh. Sông nước, kênh rạch vùng Đồng Tháp Mười là chiến trường quen thuộc với anh. Những vết thương trong chiến tranh còn hằn trên cơ thể anh cũng tại vùng đất này. Sau khi được nghỉ dưỡng thương, trở về với đời thường, Nguyễn Văn Thành tự phong là "phó thường dân Nam bộ”.

Năm 1978, biết bên huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đất hoang chưa được khai phá còn quá nhiều, anh quyết định đưa vợ con sang xã Hưng Điền B dựng chòi lập nghiệp. Anh động viên vợ trằm mình vỡ hoang 10 hécta đất phèn nặng. Đất mới vỡ làm được hai mùa lúa thì Nhà nước chủ trương đưa nông dân vào làm ăn tập thể trong tập đoàn sản xuất.

Anh Thành bấm bụng giao 10 hécta đất công sức của hai vợ chồng khai vỡ để tập đoàn cấp cho nhiều nông dân khác, chỉ được giữ lại 2,1 hécta theo định mức nhân khẩu trong xã. Không chịu lùi bước, hơn năm sau, Nguyễn Văn Thành mua lại 2 hécta đất của một nông dân không thích làm ruộng. Cùng với canh tác lúa, anh Thành nghĩ ngay tới dịch vụ cung ứng nước tưới cho bà con nông dân.

"Nghĩ và làm đi liền nhau. Tôi làm đường nước (kinh thuỷ nông nội đồng) dài hai kilômét, sắm máy bơm tưới cho 200 hécta phục vụ mấy chục hộ nông dân gieo sạ từ lúa một vụ sang hai vụ” - Nguyễn Văn Thành nhớ lại. Lợi nhuận thu từ dịch vụ bơm nước tạo cơ hội để "phó thường dân Nam bộ” tích lũy số vốn kha khá. Anh dùng toàn bộ số vốn ấy mua thêm 30 hécta đất sản xuất theo quy mô trang trại.

Nhớ lại cách vươn lên làm giàu trên đất Đồng Tháp Mười  cách nay hơn 20 năm, Nguyễn Văn Thành nói rổn rảng: "Sống ở đầu nguồn lũ Đồng Tháp Mười, chứng kiến nơi cư ngụ của bà con nông dân luôn bị chìm trong nước, tôi lại xoay sang mua hai máy ủi mở dịch vụ tôn nền nhà vượt lũ. Năm năm tôn nền vượt lũ, lợi nhuận ngoài dự tính, tôi lại bán máy ủi lấy tiền mua hai máy gặt đập liên hợp, ba máy cày, 20 máy bơm nước, đưa hai cậu con trai cùng đi làm mướn, từ cày bừa đất đến bơm nước, gặt lúa cho bà con trong vùng".

Những năm lũ về sớm, vụ lúa hè thu ở Đồng Tháp Mười luôn bị nước đe dọa. Lúa cắt về không có sân phơi gây thất thoát lớn. Để giải quyết tình trạng ấy, Nguyễn Văn Thành chỉ giữ lại một phần ba số máy móc đã sắm, chuyển tiền xây 5 lò sấy lúa, trong đó có bốn lò anh đặt bên tỉnh Đồng Tháp.

Tổng công suất của năm lò sấy đạt 300 tấn/mẻ. Dịch vụ này đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh. Nguyễn Văn Thành tâm sự: "Những lò sấy ấy góp phần giải quyết được khâu sấy lúa đảm bảo tiêu chuẩn gạo xuất khẩu, lại còn hạn chế thất thoát sau thu hoạch cho nông dân trong vụ lúa hè thu" .

Tôi nắm tay anh Thành, hỏi: "Mấy năm qua lũ không lớn, bà con canh tác vụ hè thu đúng quy trình thu hoạch né lũ, lò sấy lúa chắc để sét?". Anh Thành kéo tôi lại gần máy gặt đập liên hợp còn dính bùn, giọng oang oang như thời trai trẻ ngoài mặt trận: "Tôi năm nay mới xấp xỉ 70 xuân xanh, nghề nông còn sung lắm. Buông máy cày, máy tuốt lúa là nghĩ ngay tới việc mới. Đất Đồng Tháp Mười vẫn còn giàu tiềm năng mà!".

Trong không gian phảng phất mùi rơm lúa nếp đặc sản vụ hè thu, anh Thành chỉ tay ra cánh đồng ngay cạnh nhà giới thiệu nghề mới của gia đình.

Muốn giàu nuôi cá

Mở đầu chuyện "khởi nghiệp" nghề mới, anh Thành đọc một thành ngữ của người xưa "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo", rồi tỷ tê kể chuyện vì sao từ năm 2017 anh quyết định ngưng dịch vụ sấy lúa: "Giờ nông dân đã giỏi tính toán thời vụ từ gieo sạ đến thu hoạch, nên trước khi lũ về hạt lúa đã nằm gọn trong nhà, không cần lò sấy nữa. Tôi nghĩ, chả lẽ Đồng Tháp Mười chỉ làm giàu nhờ hạt lúa. Cái đầu không chịu ngủ yên, nên tôi "giải thể” hệ thống lò sấy, chuyển sang nuôi cá tra giống cung cấp cho vùng nguyên liệu sản xuất cá thương phẩm xuất khẩu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Trà Vinh".

Đứng bên bờ bao quanh hai ao nuôi cá tra giống, Nguyễn Văn Thành cho biết: "Sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, tôi đắp bờ tạo dựng hai ao nuôi cá trên 1,4 hécta đất lúa. Tính sơ bộ từ đầu tư làm ao, tiền mua con giống, tiền mua thức ăn xấp xỉ 300 triệu đồng. Sau một tháng nuôi thì xuất bán cá giống, thương lái vô tận ao mua gom tại thời điểm giữa tháng 8/2018 là 200.000 đồng mỗi kilôgam, tương đương 1.000 con".

Nguyễn Văn Thành so sánh giữa lúa với cá, cười rổn rảng, khẳng định: "So với lúa, lợi nhuận từ con cá tra giống cao hơn 300 lần. Ở đầu nguồn lũ sát biên giới vùng Đồng Tháp Mười, nông dân chúng tôi có vốn, chịu chơi thì làm giàu không khó”.

Bây giờ tôi mới chú ý toàn bộ bờ ao cá giống là những hàng dừa xiêm mới trồng, chớm vươn đọt xanh non. Vài năm nữa loại dừa xiêm lùn này bung trái, sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ cho phó thường dân Nguyễn Văn Thành.

Cách ao cá không xa, chiếc máy gặt đập liên hợp do con trai anh điều khiển chạy nhong nhong liếm gọn thảm vàng những thửa lúa hè thu đang chạy đua với lũ. Tôi lại hỏi Thành khi anh đang rải thức ăn cho đợt cá giống chuẩn bị thu hoạch:  "Nếu có đợt lũ lịch sử như năm 2000, liệu bờ bao ao cá có bị nhấn chìm?".

Nguyễn Văn Thành nở nụ cười tự tin: "Ông yên tâm, tôi từng làm mướn tôn nền nhà vượt lũ, lên bờ bao khép kín sản xuất vụ hè thu của cô bác, chả lẽ để lũ nhận chìm cơ ngơi mình khởi nghiệp!". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghi ở đầu nguồn lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO