EWEC: Hướng tới những đô thị liên hoàn

BÍCH HỒNG| 24/08/2015 09:05

Ý tưởng về một đại đô thị Huế - Đà Nẵng sẽ tạo ra một vùng động lực kinh tế mạnh có tầm cỡ trong khu vực.

EWEC: Hướng tới những đô thị liên hoàn

Sau gần 9 năm phát triển, Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) đạt được những gì đối với các quốc gia liên quan?

Đọc E-paper

Trong tuần đầu tháng 8, Hội chợ Quốc tế Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng - 2015 (EWEC - 2015) đã diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của 200 doanh nghiệp (DN) và một số cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại các nước, trong đó có các gian hàng của DN Nam Phi, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Bộ Du lịch Campuchia và tỉnh Pattambang, TP. Changwon (Hàn Quốc), TP. Côn Minh (Trung Quốc), DN các tỉnh Khonkean, Sakon Nakhon (Thái Lan), Sê kông, Salavan, Lakhonpheng, Attapư (Lào) cùng 22 tổ chức xúc tiến thương mại, hội DN các tỉnh, thành trong nước.

Đây là hội chợ trong Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia do Bộ Công Thương phê duyệt, đủ thấy tầm quan trọng kết nối giao thương trên trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây (East - West Economic Corridor - EWEC).

EWEC - 2015 là một trong ba sáng kiến về EWEC trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản khởi xướng. EWEC dài 1.450km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlomyine (Myanmar) qua Thái Lan, Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và kết thúc tại Cảng Tiên Sa, TP. Đà Nẵng.

Nhìn lại khoảng thời gian gần 9 năm phát triển, trục EWEC đạt được những gì đối với các quốc gia?

Hội nghị các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và ADB tại Bangkok diễn ra vào tháng 5/2015 đã đánh giá cao các thành tựu cải thiện cơ sở hạ tầng dọc EWEC, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác vận tải xuyên biên giới và những nỗ lực của Myanmar trong việc kết nối với EWEC thông qua việc nâng cấp các tuyến đường nội địa để liên kết với mạng lưới các đường giao thông đã hình thành trong khu vực.

Bốn nước nói trên đề nghị ADB ủng hộ phát triển các đô thị dọc theo EWEC để trục giao thông này thật sự thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cảng Đà Nẵng, điểm cuối của EWEC đã tăng trưởng sản lượng hằng năm khoảng 12 - 15% để đến năm 2015 sản lượng hàng hoá qua cảng đạt 6,5 triệu tấn. Mức tăng trưởng này là do cảng Đà Nẵng đã đầu tư nhanh, phù hợp với nhu cầu EWEC.

Sau 9 năm, mới đây tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư dành riêng cho DN Thái Lan, với hướng hợp tác nhắm vào du lịch và công nghiệp nhẹ.

Mỗi năm miền Trung đón khoảng 200 nghìn khách Thái Lan sang du lịch, con số khiêm tốn này khó đóng góp mạnh vào mục tiêu ban đầu kỳ vọng đạt được 2 triệu khách Thái Lan và quốc tế dọc EWEC.

Các DN du lịch Thái Lan cho biết, tiềm năng khai thác khách đến các vùng ven biển miền Trung rất lớn, nhưng dịch vụ vui chơi giải trí ở Huế không đạt yêu cầu.

Đây là khoảng trống mà nhiều DN Thái Lan nhắm đến nếu Thừa Thiên - Huế có chính sách thu hút đầu tư thích hợp. Tỉnh Quảng Trị "dựa lưng" EWEC phát triển Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo - Đông Hà, Khu Kinh tế du lịch - dịch vụ Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ.

Các cụm kinh tế phối hợp gồm cụm kinh tế Dăkrông - Cam Lộ, cụm Quảng Trị - Diên Sanh - Mỹ Chánh. Cửa khẩu mới Lalay giữa Quảng Trị với Lào thông tuyến với Campuchia và Đông Bắc Thái giúp thương mại giữa các tỉnh có chung mặt bằng phát triển cần giao thương hàng hóa tại chỗ.

Đà Nẵng là điểm cuối cùng của EWEC nhưng với hạ tầng tốt đã thu được nhiều kết quả, như cảng Đà Nẵng. Hành lang giao thông đường bộ này có cú hích ngược vào hàng không, giúp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng mở thêm nhiều tuyến bay nối vào EWEC.

Một lượng khách du lịch sử dụng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để vào các di sản văn hóa miền Trung, Lào, Campuchia, Myanmar đang là xu hướng của thị trường khách Nhật và châu Âu. Thương mại của Đà Nẵng có những trao đổi mật thiết với thị trường Thái Lan.

Ông Đỗ Anh Tuấn, một nhà xuất khẩu hải sản cho biết, sự thông thoáng của hải quan đã đẩy mạnh xuất khẩu hải sản tươi qua hành lang vào vùng Đông Bắc Thái Lan, và ngược lại hàng tiêu dùng Thái Lan tràn vào Đà Nẵng rất mạnh.

Trên tổng thể quốc gia, những kiến nghị về phát triển đô thị dọc WEWC vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, những đô thị nhỏ có thể đẩy mạnh phát triển tại Quảng Trị.

Nhưng đặc biệt, ý tưởng về một đại đô thị Huế - Đà Nẵng bao gồm một vài thành phố vệ tinh từ nền tảng Khu Kinh tế mở Chân Mây sẽ tạo ra một vùng động lực kinh tế mạnh có tầm cỡ trong khu vực.

Nhiều đề án phát triển đại đô thị này đã trình Chính phủ đưa vào chương trình vay vốn hỗ trợ từ ADB, như đô thị Chân Mây - Lăng Cô sẽ hình thành vào năn 2020, là hạt nhân kết nối Huế và Đà Nẵng.

Hiện tại các hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng đang xây dựng sẽ giúp giao thông Đà Nẵng - Huế giảm thiểu tai nạn và thời gian.

Một đại đô thị ở điểm cuối đường ra biển của trục kinh tế này sẽ làm cho WEWC thêm nhiều giá trị thực tế...

>Đà Nẵng: Đóng hay mở bãi biển?

>Du lịch Đà Nẵng trước nguy cơ lao dốc

>Nhật cam kết viện trợ hơn 6 tỷ USD cho các nước vùng Mekong

>Dự án “Sức sống Mekong”: Khoảng 5.000 phụ nữ được hưởng lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EWEC: Hướng tới những đô thị liên hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO