Doanh nghiệp đang đợi Chính phủ

TRÌNH TIÊU thực hiện| 26/11/2014 07:01

Năm 2014, cả đối nội và đối ngoại, đều có nhiều thách thức, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng năm 2014 cũng là một năm có những thành tựu nổi bật.

Doanh nghiệp đang đợi Chính phủ

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp (DN) đang đợi Chính phủ chuyển động cả bộ máy nhà nước để có thể chế tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động trên một mặt bằng, một hành lang pháp luật thông thoáng.

Đọc E-paper

* Năm 2014 sẽ đi qua sau hơn một tháng nữa, theo ông, kinh tế năm nay đạt được những kết quả nào?

- Năm nay, tăng trưởng có khả năng đạt được 5,8%. Tôi cho rằng những đánh giá về năm 2014, cả đối nội và đối ngoại, đều có nhiều thách thức, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng năm 2014 cũng là một năm có những thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, lạm phát giảm từ mức 18,13% của năm 2011 xuống 6,81% năm 2013, năm nay có khả năng khoảng 4%. Lạm phát giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm từ 18-20% xuống mức 10-12% hiện nay và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để điều chỉnh xuống mức thấp hơn.

Nhưng cũng phải thấy rằng, 4% không phải mức thấp, bởi thế giới 3% mới là tương đối hợp lý, ta vẫn cao hơn 1%, cần phấn đấu để có CPI tốt hơn.

GS Nguyễn Mại

Thứ ba, ấn tượng nhất năm nay là kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam trở thành quán quân xuất khẩu vào Mỹ, đó là cách gọi của các nước ASEAN khi chứng kiến con số 29 tỷ USD, vượt qua Indonesia, Malaysia, Thái Lan, những nước vốn là bạn hàng truyền thống của Mỹ.

Đây là dịp đánh giá lại năng lực cạnh tranh của các DN trên các thị trường khó tính và Mỹ là một ví dụ. Xuất siêu năm nay đạt trên dưới 2 tỷ USD. Như vậy, từ con số mấy chục triệu USD năm 2012, 850 triệu USD vào năm 2013 và năm nay khoảng 2 tỷ USD, đấy là những con số chúng ta mong mỏi nhiều năm, năm nay mới đạt được, hi vọng mở ra triển vọng lớn.

Trong xuất khẩu, khu vực FDI chiếm tới 67% kim ngạch, không chỉ bù đắp khoảng 14 tỷ USD của nhập siêu trong nước mà còn tạo ra khoảng 2 tỷ USD xuất siêu.

Nhưng tôi xin lưu ý một điểm trong điều kiện nước ta hiện nay: Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phát triển xã hội năm 2015, dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,2% là mức tối thiểu và như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình với Quốc hội là phải cố gắng làm thế nào để tốc độ tăng cao hơn mức dự kiến.

* Ông đánh giá thế nào về những cải cách của Chính phủ thời gian gần đây?

- Chính phủ có nhiều cải tiến về hành chính và những cải tiến ấy theo một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Trước đây, khi cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ yêu cầu địa phương phải giảm 30% thủ tục hành chính, còn bây giờ Chính phủ yêu cầu phải lấy tiêu chuẩn quốc tế làm căn cứ và đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thực hiện.

Ví dụ về thời gian nộp thuế của DN, lấy tiêu chuẩn của OECD, một tiêu chuẩn khá cao trên thế giới, về hải quan lấy tiêu chuẩn cao nhất của ASEAN. Khoảng 10 ngày trước, nhiều tờ báo của Đức, Ý, Pháp, Ba Lan đều có bình luận về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện nhờ Chính phủ đã quyết tâm cải thiện.

Tôi không lạc quan quá nhiều, nhưng những cải thiện như vậy là đáng kể, cộng với những cái đang làm, hy vọng năm 2015 sẽ chuyển biến tích cực.

* Như ông nói, kinh tế nhiều chuyển biến tích cực, vậy điều gì khiến DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn?

- Chính phủ đang làm mọi cách. Nhưng tôi nghĩ, DN đang đợi Chính phủ chuyển động cả bộ máy nhà nước để sau khi có thể chế tốt hơn, hành động của bộ máy nhà nước là tạo điều kiện cho DN hoạt động trên một mặt bằng, một hành lang pháp luật thông thoáng. Chỉ khi đó, DN mới có thể cạnh tranh tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn và đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp đang đợi Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO