Điều chỉnh mục tiêu lạm phát phù hợp với thị trường

LÊ ĐĂNG LINH - Giám đốc Điều hành LQI Investment*| 05/04/2011 06:16

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI trong tháng 3 vẫn tăng cao nhưng không tạo sự bất ngờ đối với thị trường. Nhìn chung, CPI tháng 3 tăng 2,17% so với tháng 2, tăng 13,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý I, lạm phát đo bằng chỉ số CPI đã lên tới con số 6,12%.

Điều chỉnh mục tiêu lạm phát phù hợp với thị trường

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI trong tháng 3 vẫn tăng cao nhưng không tạo sự bất ngờ đối với thị trường. Nhìn chung, CPI tháng 3 tăng 2,17% so với tháng 2, tăng 13,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý I, lạm phát đo bằng chỉ số CPI đã lên tới con số 6,12%.

Nguyên nhân dễ thấy: tỷ giá tăng 9.3%, xăng và điện cũng tăng. Đây là ba yếu tố có nhiều ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ.

Lạm phát vẫn là nỗi lo ngai lớn trong năm 2011 - Ảnh: Quý Hòa

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, việc tỷ giá tăng mạnh chỉ có tác động rõ rệt trong khoảng 2 đến 3 tháng sau cho các đơn hàng mới. Hơn nữa, tăng giá phần lớn còn do tác động từ yếu tố tâm lý.

Nhiều doanh nghiệp trong một số ngành sản xuất và địch vụ thậm chí còn tăng giá bán nhiều hơn nhiều so với mức tăng chi phí đầu vào, nhằm tăng lợi nhuận. Và người tiêu dùng phải gánh chịu mọi thiệt hại do lạm phát gây ra.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp là lãi suất. Mức lãi suất cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn cung tiền đang được thắt chặt mạnh mẽ, lãi suất khó giảm xuống ít nhất là đến quý III.

Lãi suất của nguồn cung tiền khác là USD có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, nhưng doanh nghiệp, người dân lại khó có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Tuy nhiên, lãi suất đã không hề thấp từ năm 2010, và, mức lãi suất hiện nay cũng không thể dẫn tới mức lạm phát tăng cao trong các tháng đầu năm.

Qua đó, chúng ta có thể thấy nguyên nhân gây lạm phát từ yếu tố tâm lý là không nhỏ. Lạm phát cao dẫn đến tình trạng "co lại phòng thủ", gây hiệu ứng dây chuyền.

Chỉ số CPI trong tháng 3 hằng năm thường có xu hướng giảm mạnh so với tháng 2 nhưng năm 2011 lại tăng mạnh và chỉ sau mức tăng của tháng 3 năm 2008, là năm có lạm phát rất cao. Tín hiệu này cho thấy một nguy cơ về mức lạm phát cao trong năm 2011.

Tuy nhiên, Chính phủ đang rất quyết tâm trong việc kiểm soát lạm phát bằng cách thắt chặt mức cung tiền, đặc biệt là đối với các ngành không phải là sản xuất trực tiếp như bất động sản, chứng khoán hay tiêu dùng. Chính phủ vẫn tiếp tục khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong năm nay.

Chính sách tài khóa với nhiệm vụ giảm chi tiêu và đầu tư công. Chính sách thắt chặt tiền tệ thường có tác dụng rõ rệt từ 6 đến 12 tháng. Vì vậy, bất kỳ một yếu tố nào liên quan đến cung tiền có khả năng không thắt chặt đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mọi người.

Với định hướng khống chế lạm phát như vậy, CPI sẽ có thể giảm cho đến hết quý III. Chỉ số CPI cơ bản (loại trừ năng lượng và thực phẩm) chắc chắn sẽ giảm bởi tác động của các chính sách từ chính phủ nhưng con số CPI thực tế lại phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tâm lý của người dân.

Ngoài ra, CPI còn chịu ảnh hưởng từ giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang nằm trong xu thế tăng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Lạm phát trong năm nay được người dân dự đoán sẽ tăng cao. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ lạm phát kỳ vọng ở mức 7%, rõ ràng là không thể đạt được.

Việc điều chỉnh lạm phát kỳ vọng hợp với diễn biến thị trường, tiến tới chấp nhận dự báo cao hơn nhưng chính xác, sẽ giúp tạo niềm tin trong việc điều hành chính sách của Chính phủ. Con số dự kiến lạm phát cả năm 2011 xoay quanh mốc 10%.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2011, Tổng cục thống kê đã công bố chỉ số giá sản xuất PPI (Producer Price Index). Chỉ số này đo lường mức giá thành tăng lên của các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ.

Bản chất PPI đo lường giá cả các sản phẩm đầu vào của một ngành sản xuất để tính toán chi phí sản xuất. PPI được quan tâm ở 3 chỉ số chính:

(1) chỉ số giá hàng hóa thô

(2) chỉ số giá nguyên vật liệu (các mặt hàng sẽ là các nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác)

(3) chỉ số giá thành phẩm công nghiệp (các mặt hàng là thành phẩm cuối cùng và được người tiêu dùng sử dụng).

Bởi vậy nên PPI sẽ đo lường được chi phí sản xuất đối với một ngành, và do đó có thể dự báo được mức giá bán tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Khi PPI tăng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải tăng giá bán sản phẩm và đẩy phần lạm phát đó qua cho người tiêu dùng gánh chịu. PPI là một tín hiệu sớm, phản ánh tình hình CPI trong 1 đến 2 tháng tiếp theo.

Ở Việt Nam, chỉ số PPI được công bố chia ra thành chỉ số nông lâm thủy sản, chỉ số nguyên vật liệu cho sản xuất, chỉ số thành phẩm công nghiệp, chỉ số giá cước vận tải và chỉ số giá xuất nhập khẩu. Về mặt bản chất thì 5 loại chỉ số này cũng giống như 3 loại chỉ số chính ở trên.

Chỉ số PPI trong quý 1/2011 tăng rất mạnh. Đặc biệt là chỉ số nông lâm thủy sản (9,69%). Trong đó, tăng mạnh nhất là các sản phẩm nông nghiệp (10,54%).

Điều này có thể được giải thích bởi mặt bằng chung lương thực thực phẩm trong quý I là cao do nhu cầu từ Tết. Ngoài ra, các chỉ số PPI khác cũng đều tăng trên 5%, là một mức tăng rất cao.

Giải thích tương tự như lương thực thực phẩm, các mặt hàng này trong dịp Tết đều tăng bởi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng rất mạnh, đặc biệt là bắt đầu một chu trình sản xuất hàng hóa mới trong năm 2011.

Chi phí cước vận tải cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh giá xăng tăng thêm 2.900 đồng/lít do giá dầu thô không ngừng leo thang trên thị trường quốc tế, đồng thời chịu tác động từ diễn biến kinh tế thế giới bao gồm cả chiến tranh ở Trung Đông và thiên tai ở Nhật Bản.

Giải thích nguyên nhân cho việc tăng giá các loại mặt hàng đầu vào cơ bản là thể hiện của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đặc biệt là một khi các mặt hàng tiêu dùng khác đã tăng giá theo xăng dầu, điện thì có lẽ sẽ không giảm trở lại.

Như vậy, nguyên lý giá cả điều chỉnh theo nền kinh tế đã không thể hiện đúng. Khắc phục được điều này chỉ còn một cách duy nhất là cố gắng lấy lại niềm tin trong cách thức điều hành nền kinh tế. Dù sao đây cũng là một bước tích cực của các cơ quan điều hành trong công tác nỗ lực minh bạch hóa các thông tin kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điều chỉnh mục tiêu lạm phát phù hợp với thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO