Để là một chính khách

TƯƠNG LAI| 29/03/2011 04:20

Cần có nhiều doanh nhân, người lính xung kích trên trận địa kinh tế của giai đoạn hội nhập và phát triển đang đi vào chiều sâu, là một đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, đã có những doanh nhân thể hiện được phẩm chất và năng lực để trở thành chính khách.

Để là một chính khách

Cần có nhiều doanh nhân, người lính xung kích trên trận địa kinh tế của giai đoạn hội nhập và phát triển đang đi vào chiều sâu, là một đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, đã có những doanh nhân thể hiện được phẩm chất và năng lực để trở thành chính khách.

Đại biểu quốc hội - Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: VNEXPRESS

Đương nhiên, điều hành doanh nghiệp, nổi trội trong sản xuất kinh doanh và bản lĩnh, năng lực của người dấn thân vào chính trường, trở thành một chính khách đích thực không đồng nhất. Hùng tâm và sinh kế đôi khi không thể đồng hành.

Hai khái niệm này nằm trong câu thơ của Nguyễn Du viết vào tuổi “tam thập nhi lập”: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên  (Dịch nghĩa: Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát/ Hùng tâm, sinh kế, cả hai đều mờ mịt)".

Mới ba mươi tuổi mà đầu đã bạc vì lo nghĩ về con đường sự nghiệp của một kẻ sĩ có chí lớn. Liệu điều đó có là mối trăn trở của những doanh nhân thời đại hiểu rõ sứ mệnh của mình với đất nước?

Và phải chăng sự trăn trở giữa “hùng tâm” và “sinh kế” vốn tiềm ẩn sâu kín trong lòng những doanh nhân hướng về một lẽ sống có ý nghĩa; rồi chính vì “hùng tâm” đã chi phối “sinh kế”, làm cho “sinh kế” có ý nghĩa lớn lao vượt ra khỏi chuyện mưu sinh thông thường, và không để cho “sinh kế” bóp chết “hùng tâm”, gắn liền “sinh kế” với trách nhiệm xã hội cao cả mà có những doanh nhân muốn trở thành chính khách?

Điều này đương nhiên còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác nữa. Ví như cách tuyển chọn, bổ nhiệm những chính khách, những nghị sĩ, những thành viên của bộ máy chính quyền... của từng quốc gia.

Chẳng hạn như ở Mỹ, Tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận một thành viên của nội các. Để chuẩn bị cho Quốc hội làm việc đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phải có những buổi chất vấn kỹ càng đương sự sẽ được bổ nhiệm.

Buổi “đàn hạch” này rất nghiêm cẩn và căng thẳng. Đương sự phải trả lời nhiều vấn đề nóng bỏng, trong đó có những câu hỏi liên quan đến việc thực thi Hiến pháp và những vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội, nhằm thẩm định xem người sẽ ra gánh vác trọng trách nhà nước giao phó có quan điểm độc lập và trình độ am hiểu để bảo vệ và thực thi Hiến pháp trong bối cảnh hiện đại không.

Đôi khi chỉ vì một sự vụ nhỏ liên quan đến đương sự bị báo chí phanh phui, như việc thuê một lao động nữ nhập cư để giúp việc nhà nhưng người này không có giấy phép hành nghề, mà người được dự định bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thời chính quyền Bill Clinton phải rút lui ngay.

Hay dưới thời Tổng thống Bush, phu nhân Tổng thống, bà Laura Bush, từng an ủi: “Đã bước vào con đường chính trị, làm chính khách thì phải chịu đựng thôi” khi chứng kiến một trong 9 vị thẩm phán của Tòa án Tối cao dự định được bổ nhiệm phải trả lời những câu hỏi gay cấn đến độ bà vợ của ông này phải bật khóc khi theo dõi truyền hình trực tiếp.

Quả là, để làm một chính khách đúng nghĩa thật không dễ!

Rồi mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara, 48 tuổi, thành viên Đảng Dân chủ cầm quyền ở Nhật, cũng vừa phải tuyên bố từ chức. Ông này là một nhân vật có tài, được cho là sẽ kế nhiệm ông Kan làm Thủ tướng Nhật.

Lý do từ chức cũng thật đơn giản: từ năm 2005 ông đã nhận 250.000 yen từ một phụ nữ Hàn Quốc 72 tuổi, sống ở Nhật, nói tiếng Nhật và điều hành một nhà hàng tại Kyoto. Bà cụ này biết ông Maehara từ hồi ông còn là một đứa trẻ.

Tuy nhiên, với nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài lên nền chính trị trong nước, luật Nhật cấm chính trị gia nhận tiền của người nước ngoài. Ông Maehara không biết mình đã phạm luật.

Tại cuộc họp báo được truyền hình, ông Maehara xin lỗi người dân Nhật vì đã “khơi dậy sự hoài nghi về vấn đề liên quan tới quỹ chính trị của tôi, dù tôi đã quyết tâm theo đuổi tác phong chính trị sạch sẽ”.

Cái “tác phong chính trị sạch sẽ” ấy xưa kia Khổng Tử gọi là sự “chính đính” trong mệnh đề “chính trị là chính đính”. Nói kỹ e dài dòng, xin lại dẫn Khổng tử cho gọn và súc tích, lại khá cập nhật.

Trả lời câu hỏi của vua Ai công: “Làm thế nào thì dân phục tòng”, Khổng tử đáp: “Cử trực, thố chư uổng, tắc dân phục. Cử uổng thổ chư trực, tắc dân bất phục” (Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tòng, đề cử hạng cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tòng).

Lấy dân, lấy niềm tin của dân làm điểm quy chiếu trong việc đánh giá một chính khách, tự cổ chí kim đều như vậy. Cho nên, chỉ vì câu phát biểu: “Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki là cách không thể tránh khỏi để kết thúc chiến tranh” mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật trước đây cũng phải từ chức. Ông nói: “Tôi đã làm người dân Nagasaki phiền lòng... Tôi xin từ chức để nhận trách nhiệm này”.

Từ chức vì “trách nhiệm đã làm phiền lòng dân” lại là một lý do rất đáng được suy ngẫm! Để sang một bên những áp lực bên ngoài, việc từ chức ấy là một áp lực bên trong của người có lương tâm và biết trọng danh dự. Chính vì nhà chính khách biết tự trọng và có lương tâm nên có khi đã đổi mạng sống của mình để chuộc lại lỗi lầm.

Trường hợp cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun là một ví dụ. Không chịu nổi sự day dứt của lương tâm, ông đã tự vẫn. Báo chí Hàn Quốc cho rằng, ông Roh Moo-hyun bị căng thẳng trước những cáo buộc ông có dính líu tới tham nhũng.

“Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền các bạn”. Ông đã để lại một lá thư tuyệt mệnh, trong đó nói rằng “cuộc sống thật khó khăn” và ông rất xấu hổ với những vấn đề liên quan tới cáo buộc tham nhũng và muốn “xin lỗi vì đã để quá nhiều người phải hứng chịu hệ luỵ từ những vấn đề của bản thân”.

Để là một chính khách đích thực, ngoài bản lĩnh dấn thân vì muốn cống hiến cho xã hội, ngoài trí tuệ và năng lực hành động, nhà chính khách - trực tiếp hiện nay là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đang được đề cử và tự ứng cử - phải là người có lương tâm và biết tự trọng mà những câu chuyện đông tây kim cổ gợi ra ở trên đã phần nào nói lên điều hệ trọng ấy.

Làm chính khách khó, đó là sự thật. Nhưng chính vì điều đó, tiến trình đề cử, ứng cử và sự cân nhắc lựa chọn khi ghi vào lá phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới đòi hỏi sự công khai, minh bạch của việc thực thi dân chủ đích thực!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để là một chính khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO