Danh giá và đồng tiền "sạch"

HỒNG BÍCH| 25/12/2013 09:35

Tạm phác ra khung cảnh thế này. Một buổi tối ở một nhà hàng tao nhã. Một người đàn ông cứng tuổi, lịch lãm cùng cô gái trẻ bước vào.

Danh giá và đồng tiền

Tạm phác ra khung cảnh thế này. Một buổi tối ở một nhà hàng tao nhã. Một người đàn ông cứng tuổi, lịch lãm cùng cô gái trẻ bước vào.

Đọc E-paper

Người tò mò nhìn trang phục và cử chỉ, đoán ngay được địa vị xã hội của cả hai người. Bước vào nhà hàng, nhưng người đàn ông trang phục và tác phong vẫn đĩnh đạc và trầm tĩnh như dự hội nghị. Đích thị ông ấy gốc gác từ các vùng miền Bắc và đang là công chức. Cô gái ngược lại rất khó đoán là người miền nào.

Nhưng trang phục, cử chỉ thì đúng cung cách một "chân dài", thời thượng và cao cấp. Dù ở đâu thì mọi sự quan tâm của cô ấy chỉ dừng lại ở đúng nhan sắc của chính mình. Cặp ấy đi bên nhau, tận hưởng giá trị của chính bản thân, dưới ánh nhìn của xã hội.

> Tham nhũng tại châu Á: Khi “việc với việc là tiền”...
> Bi kịch của bóng ma tham nhũng
> Khủng hoảng: Mồi ngon của tham nhũng

> Những câu chuyện tham nhũng
> Facebook chống tham nhũng
> 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới
> Những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới
> Tham nhũng “chuộng” vàng!

Xã hội đang nhìn họ. Hầu hết là những cái nhìn ngưỡng mộ. Có thể những người đàn ông khác đánh giá được giá trị của nhân vật kia qua "chân dài". Những người phụ nữ thì nhìn "độ dài của chân" và hàng hiệu trên người cô gái trẻ để đoán địa vị của người đàn ông.

Hình như không ai nhớ ra chuyện tự hỏi mình: Thời nay xã hội quay cuồng đến đâu mà "chân dài" ngang nhiên ra giữa thanh thiên bạch nhật để chứng thực cho sự "thành đạt" của một người đàn ông?

Từ khi nào mà xã hội cúi đầu thán phục và khuất phục trước những sự ngang nhiên cặp kè giữa quyền - tiền - gái, không thấy có gì kỳ quặc chăng? Nếu có ai thắc mắc về sự "xấu hổ” ở đây, hẳn sẽ bị át ngay, hoặc là dở hơi, không thức thời, hoặc là ganh tỵ!

Chính vì xã hội đã rất lệch lạc, đã sẵn sàng tôn vinh và chấp nhận những lệch lạc về giá trị thì chúng ta mới phải tham dự hết đại án này đến đại án khác, mà đại án nào cũng chỉ xoay quanh cái vòng quyền lực - tiền bạc - phụ nữ.

Hàng ngàn tỷ đồng từ tiền thuế do dân đóng tiêu tan, khi thi hành án, những "đại gia" ngày nào không còn một xu để khắc phục hậu quả nhằm bày tỏ sự ân hận về tội lỗi mình trót gây ra. Đã vậy xã hội vẫn còn nhắc lại để tiếc nuối cho gia đình kẻ tội phạm từng là gia đình danh giá bậc nhất vùng này, vùng khác.

Toàn bộ đại án kinh tế Vinalines đã cho ta thấy sự tiến thân của nhân vật chính: Trong vòng 10 năm, từ một người thất nghiệp, không bằng cấp, chỉ nhờ là con ông cháu cha mà đã đi qua những lớp đại học tại chức, rồi đến tiến sĩ kinh tế và ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT một Tổng công ty nhà nước, một chữ ký có thể làm tiêu tan hàng trăm tỷ đồng. Sự tiến thân đó có gì đáng hãnh diện ngoài sự chi phối trơ tráo của đồng tiền và quyền lực?

Như vậy mà dư luận vẫn cứ ôn lại quá khứ, tôn vinh gia đình ấy danh giá, làm cho xã hội chấp nhận cái tiêu chuẩn danh giá là "có chức quyền sóng đôi với đồng tiền", mà cố tình quên đi thực trạng chạy chức chạy quyền như một căn bệnh dịch hạch làm yếu kém nền hành chính, chao đảo nền kinh tế và xã hội thì ngập trong dối trá và tôn vinh sức mạnh của đồng tiền.

Tội phạm đã ra trước vành móng ngựa. Bi kịch gia đình cũng đã phơi bày. Nhưng dường như chẳng có mấy người trong cuộc tỏ chút ân hận. Họ quyết giữ những đồng tiền cướp được ngay cả khi người thân đã ra vành móng ngựa. Thậm chí người vợ còn đứng ra nhận "tiền chồng mua nhà cho bồ nhí là tiền của tôi".

Một người đàn bà cũng là công chức, nếu chiếu theo những ràng buộc quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức thì không thể có cơ hội kiếm được 10 tỷ đồng tiền mặt. Vậy pháp luật rõ ràng và nghiêm minh đến đâu mà một công chức dám ra tòa nói nhẹ bỗng "đó là tiền của cá nhân tôi", chẳng phải lo đến chuyện chứng minh nguồn gốc tiền "sạch".

Một lần trong resort 5 sao, bên bể bơi bỗng nghe tiếng hát "Hò kéo pháo". Một cụ ông đang đùa giỡn với cháu dưới nước và hát cho chúng nghe bài hát năm xưa, chắc ông còn nhớ rất rõ thủa mặc áo lính ở chiến trường Điện Biên.

Có thể ông là một cựu chiến binh, và con cháu ông là những người danh giá. Họ đủ tiền để đi nghỉ ở resort có giá phòng mỗi đêm đến 400 USD/người cho đại gia đình đông đúc, cho cả người giúp việc đi theo giữ trẻ và phục vụ.

Họ đang tiêu tiền rất hào phóng trước con mắt khâm phục của người qua kẻ lại nhìn ngắm sự danh giá, giàu sang. Không thấy ai hỏi: "Giá bao nhiêu thì mua được danh?". Và cũng bỗng nhớ đến câu chuyện một nữ doanh nhân kể: Có lần chị được người bạn mời qua nhà hàng bên khu Phú Mỹ Hưng ăn vịt Bắc Kinh.

Con vịt ấy có giá hơn 2 triệu đồng. Khi nghe giá món ăn, chị thấy miếng thịt đắng ngắt, khó nuốt. Vậy nhưng ai dám bảo chị ấy không thành đạt, không danh giá, khi từ một người làm nghề dệt chị đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng, với công ty là thương hiệu dệt may thành công trong lĩnh vực xuất khẩu.

Thế mới biết, chẳng ai cần tạo danh khi họ có đồng tiền "sạch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Danh giá và đồng tiền "sạch"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO