Đàm phán TPP còn khó

TRÌNH TIÊU thực hiện| 18/09/2013 06:03

Chuyện được và mất từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bàn tính ngày càng nhiều. TS. Đào Ngọc Tiến, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: "Việc cân đong đo đếm những cái được, cái mất là rất khó”.

Đàm phán TPP còn khó

Chuyện được và mất từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được bàn tính ngày càng nhiều. TS. Đào Ngọc Tiến, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: "Việc cân đong đo đếm những cái được, cái mất là rất khó”.

>TPP: Kỳ vọng và thận trọng
>TPP: Để không là bánh vẽ
>TPP – Mật ngọt xứ cờ hoa chào đón doanh nghiệp Việt?

Đọc E-paper

* Tham gia TPP, có vẻ như Việt Nam đang phải "kiễng chân"để với tới khu vực gồm những thị trường mạnh?

- Nếu so với các nước thành viên còn lại của TPP, Việt Nam ở một điểm xuất phát thấp khi nhìn vào mức GDP bình quân đầu người, nhìn vào trình độ và năng lực sản xuất trong nước.

Nhưng tôi không nghĩ chúng ta phải "kiễng chân"quá cao hay coi đó là một bước đi quá tham vọng. Với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Úc... và gần đây nhất là Nhật Bản, đây thực sự là cơ hội. Hai năm cuối quá trình đàm phán gia nhập WTO chúng ta đã làm được nhiều thứ. Với kinh nghiệm đó, tôi tin Việt Nam sẽ làm được.

Hiện Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, TPP có thể coi là cú hích tiếp theo, tạo ra động lực để Chính phủ và doanh nghiệp (DN) phải cải cách mạnh hơn nữa, tác động tích cực vào quá trình đổi mới.

* Nhưng chúng ta đang bàn tính quá nhiều về chuyện được và mất từ TPP?

- TPP cũng giống các hiệp định khác, có được và có mất. Cân đong đo đếm những cái được, cái mất rất khó, bởi những cái coi là được phụ thuộc vào hoạt động của DN và những cái cho là mất có thể là do chúng ta không tính toán, đo lường được để mà so sánh.

Nhưng nhìn chung, cái được từ TPP lớn hơn cái mất rất nhiều. Nó không chỉ là những cái được về mặt kinh tế mà còn thể hiện một bước tiến trong quá trình hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Cái khó là Việt Nam đang cùng lúc tiếp tục thực hiện các cam kết gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, vừa cơ cấu lại nền kinh tế. Ông bình luận thế nào về sự cùng lúc này?

- Áp lực sẽ rất lớn. Nhưng những cái đã cam kết và những cam kết mới không loại trừ lẫn nhau mà bổ sung cho nhau, thậm chí, việc cùng lúc chịu nhiều áp lực còn giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Trên thực tế, những cam kết cũ hay mới tương tự nhau, đều nói nhiều đến giảm thuế, cải cách khu vực DN nhà nước...

Điểm khác biệt ở các cam kết mới so với cam kết cũ là ở mức độ sâu hơn. Cộng hưởng tất cả những cái này sẽ làm cho quá trình cải cách, tự do hóa thương mại của Việt Nam diễn ra mạnh hơn. Điều này sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế chứ không có gì đáng lo ngại.

* Dự kiến năm 2014 sẽ hoàn tất đàm phán TPP, ông nhận định thế nào về mục tiêu này?

- Việt Nam đang tích cực để đáp ứng được lộ trình ấy. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam và các nước khác đã đạt được những vấn đề đáng kể, song còn khó ở nhiều vấn đề khác.

Tôi nghĩ những vấn đề này có thể được giải quyết với quyết tâm của Chính phủ, nhằm có thể kết thúc TPP đúng thời hạn. Nhưng điều quan trọng hơn là cộng đồng DN và xã hội cũng phải chuẩn bị để tham gia TPP.

* Theo ông, DN sẽphải chuẩn bị những gì?

- TPP kèm với việc giảm thuế, cơ hội tiếp cận thị trường, nhưng cùng với đó là thắt chặt quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật... Tham gia TPP, không có cách nào khác là DN phải tự hoàn thiện mình, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được những quy định đó. Mặt khác, DN phải nhìn vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng ngành để có sự chuẩn bị phù hợp.

Chẳng hạn, với dệt may, bên cạnh các xuất xứ về nguồn nguyên liệu, cần chú ý các vấn đề về lao động, lao động trẻ em. Các DN gỗ, lâm sản phải có các chứng chỉ về rừng. Các DN nông, lâm, thủy sản phải chú ý đến hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm...

*Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàm phán TPP còn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO