Có tiền mà chẳng có quyền

QUẢNG YÊN/DNSGCT| 23/05/2015 06:49

Cha mẹ có tiền nhưng phải “chịu thua” chạy theo yêu cầu của cậu ấm cô chiêu, cứ đâm lao rồi phải theo lao. Lý lẽ được đưa ra, không giúp con thì giúp ai? Đâu có ra lệnh cho con rằng phải thành công được?

Có tiền mà chẳng có quyền

Mấy bạn trẻ tranh luận với nhau xem có nên du học hay không. Bao nhiêu lý lẽ được đưa ra, chưa chắc bên nào thắng. Một bạn hùng hồn tuyên bố: “Nếu bạn nào con nhà đại gia đang kinh doanh lớn, cần có con đi học kỹ thuật khoa học mới để về tiếp quản tài sản kinh doanh giúp cha mẹ thì coi như có 'mục đích chính đáng'. Còn lại, du học chỉ để tìm cơ hội nghề nghiệp hòa nhập nước sở tại thì… quên đi”.

Đọc E-paper

Bởi vì không phải tự nhiên mà người ta phải “nghĩ mưu làm bậy” như kết hôn giả sang đó chỉ để… đi hầu, đi sửa móng chân móng tay cho người ta. Đó, cô A cô B ở nhà tưởng giỏi giang nhất hội, đi xuất cảnh chỉ để… ở nhà sinh con. Ông A bà B nghe đi sang nước ngoài chăm con cháu, kêu buồn quá, buồn muốn chết. Tiếng Tây không biết, phố xá không có chỗ lê la, suốt ngày chóc ngóc trong nhà chờ con về, kêu buồn chán…

Thôi thì đủ chuyện đủ dẫn chứng. Cuối cùng một anh chàng kết luận: “Ai nói cũng có lý cả, làm gì cho ra hồn thì ở đâu cũng khó. Giờ mình kết lại là: Đi học hay không, ai quyết định? Chính là ai bỏ tiền ra, người đó có quyền quyết định”.

Ơ, vậy hóa ra là để cha mẹ quyết định à? Là vì số người tự lo tiền cho mình đi học, số đã thành công rồi, thì rất ít và họ cũng lao vào sự nghiệp chứ chưa chắc đi học. Còn lại những người học xong lớp 12, hỏi mấy ai tự túc được tiền học? Vậy là hầu hết đi học do tiền của cha mẹ.

Nhưng đến đây thì lại đụng vào thực tế – mà có lý thuyết hẳn hoi, cha mẹ nên hướng dẫn chứ không ép con đi theo ý muốn của mình. Bây giờ thử nhìn lại nhiều gia đình trung lưu thôi, chưa nói đại gia. Rất dễ tìm thấy thí dụ các cô các cậu dùng tiền cha mẹ “qua bển” đâu chịu học.

Có người “tiếng Anh không vô”, bỏ học đi chơi, phá của xong thì về. Cha mẹ lo tìm việc, nhưng dở dang, bằng cấp không có, đi làm cơ quan chê ít lương, chê trưởng phòng dốt nát, đồng nghiệp chẳng ra sao, thiếu gì cô cậu lại tiếp tục đi học nghề khác, chuyển qua nước khác?

Thế là rõ cái cảnh, cha mẹ có tiền nhưng phải “chịu thua” chạy theo yêu cầu của cậu ấm cô chiêu, cứ đâm lao rồi phải theo lao. Lý lẽ được đưa ra, không giúp con thì giúp ai? Đâu có ra lệnh cho con rằng phải thành công được?

Người có tài mà thiếu may mắn chưa chắc đã vươn lên nổi thành công, nói chi đến các cô cậu làng nhàng trí óc, bạc nhược, ý chí không có. May mà chúng không sa vào nghiện hút băng đảng là cảm ơn trời Phật lắm rồi.

Rất nhiều bậc cha mẹ có tiền mà đâu có quyền? Có ai quyết định, ra giá với con là sau bao năm đi về sẽ kiếm được bao nhiêu tiền không? Mà bao nhiêu năm mới “hoàn vốn” không? Hay là may mắn lắm thì học có được tấm bằng đã là một sự cố gắng lớn rồi?

Làm cha mẹ bây giờ chỉ có một con đường, cố gắng kiếm tiền tích lũy lo cho con có tương lai. Con có khó khăn thì phải lao vào gỡ, bao nhiêu tiền cũng phải lo.

Sao không học các nước tiên tiến đó, mười tám tuổi là xin mời ra khỏi gia đình, tự bươn chải, tự lo? Sao biết vậy là hay, văn minh, giúp con trẻ tự lập, mà hiếm khi có cha mẹ nào (nhất là ở thành phố) chịu học theo văn minh, cho mình được khỏe? Lại cứ phải lao theo con?

Mà lao theo còn lâu, chúng có vợ chồng, đẻ con ra, nhiều người không có ông bà nội ngoại xem? Cứ nhìn xung quanh khắc rõ. Ngay con cái trưởng thành “bên Tây” mà đẻ em bé ra, bà phải làm “ôsin bay” kia kìa, sao không tự lực từ mười tám tuổi đi?

Nói quanh co một hồi mới thấy, ca ngợi sức mạnh đồng tiền ai cũng kêu “đúng đúng, đồng tiền vạn năng”. Ấy vậy mà trong thực tế nhiều người có tiền vẫn chẳng là “miệng nhà sang có gang có thép” gì hết. Đồng tiền vẫn phải theo quy luật của tình thương yêu.

>Cho đi tiền bạc để nhận lại nhiều yêu thương
>Người giàu nói về hạnh phúc và tiền bạc
>Tốc độ, thời gian quan trọng hơn tiền bạc
>Nặng gánh tiền bạc
>Tiền bạc hay tự do?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có tiền mà chẳng có quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO