![]() |
Không muốn sản phẩm làm ra bị gắn mác "ô nhiễm", nhiều công ty lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã chú trọng đến những quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tăng cường các quy định về bảo vệ môi trường theo cách thức minh bạch, ông John Rockhold - Trưởng nhóm Năng lượng Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2016 (VBF) cho biết.
Đọc E-paper
* Quan điểm của ông về việc có doanh nghiệp (DN) FDI xả thải độc hại ra môi trường Việt Nam?
- Tác động từ việc gây ô nhiễm môi trường là rất lớn, phải cần rất nhiều nguồn lực mới có thể làm sạch, bù đắp những tổn hại gây ra cho đời sống người dân. Vì thế, rất nhiều quốc gia áp dụng nguyên tắc DN gây tổn hại tới môi trường bao nhiêu phải trả phí bấy nhiêu. Không gọi là phạt vì mức phí phạt rất thấp.
Theo tôi, Việt Nam nên áp dụng nguyên tắc ấy.
* Chính phủ Việt Nam đang siết chặt những quy định liên quan tới môi trường trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nhận xét thế nào về phản ứng của các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề này?
- Việc đưa ra những quy định về bảo vệ môi trường là nhằm buộc các nhà đầu tư có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng xã hội.
Gần đây, việc một số DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh là rất có lợi cho Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã hiểu rõ ràng hơn về lộ trình, hướng đi của năng lượng xanh, vậy nhưng có người vẫn cho rằng đầu tư vào năng lượng xanh là lãng phí. Thực tế không phải như vậy.
Rất nhiều tập đoàn lớn có những quy tắc đầu tư nghiêm ngặt và Việt Nam cũng đã có những quy tắc cho vấn đề này. Cái cần bây giờ là sự minh bạch của những quy định về năng lượng xanh.
* Theo ông, những bức xúc về việc có DN FDI, nhất là Formosa xả thải ra môi trường có tạo áp lực cho các nhà đầu tư nước ngoài?
- Tôi nghĩ là không. Chúng tôi đã khảo sát về việc tại sao các DN FDI đến Việt Nam vào năm ngoái. Họ đến Việt Nam bởi môi trường đầu tư thuận lợi, lực lượng lao động dồi đào, có kỹ năng, dễ dàng tiếp cận với tri thức mới.
Những yếu tố này giúp cho giá thành sản phẩm của họ rẻ hơn, cạnh tranh hơn và các nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn khi kinh doanh tại Việt Nam.
* Trên thực tế, nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng chưa nỗ lực cùng Việt Nam bảo vệ môi trường. Ông nói gì về điều này?
- Sẽ là không may nếu có những DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư nhưng lại không chú trọng tới vảo vệ môi trường. Hiện nay có tới một nửa lượng điện của Việt Nam là từ than và nhu cầu năng lượng cho sản xuất gia tăng, đồng nghĩa với việc phải tăng nhu cầu tiêu thụ than để đáp ứng.
Điều này chắc chắn tác động nhất định tới thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đã được 94 quốc gia phê chuẩn tháng 12/2015 tại Paris, Pháp, trong đó có Việt Nam.
* Phát triển năng lượng xanh, theo ông có thể gắn kết DN nước ngoài và DN trong nước?
- DN nước ngoài không thể phát triển năng lượng xanh nếu như không có DN trong nước. Hiện nay, chúng tôi phải nhập khẩu trang thiết bị để sản xuất điện, nên chi phí gia tăng. Vì vậy, chúng tôi muốn hợp tác với các công ty đủ mạnh ở trong nước, kết nối với những công ty toàn cầu để giúp hạ giá thành.
Chúng tôi cũng muốn mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp điện thay vì chỉ có thể mua điện từ EVN. Ở một số công ty lớn, họ có những thỏa thuận mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp, mang tính chất toàn cầu, chứng nhận toàn cầu, sẵn sàng trả tiền cao hơn để sử dụng nguồn năng lượng sạch từ gió, mặt trời.
Lý do là bởi họ có thể bán sản phẩm ở những quốc gia phát triển với cam kết 100% năng lượng sạch. Rất nhiều DN của Mỹ như Google, Nike, Intel muốn sử dụng năng lượng sạch.
Và như vậy Việt Nam rõ ràng là có cơ hội rất lớn để thu lợi từ việc đầu tư vào năng lượng xanh.
* Cám ơn ông!
>Người Mỹ trong "cơn sốt" năng lượng xanh
>Điện gió có hại môi trường?