Chuyện bên ngoài kinh tế

PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC - Nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới - Trình Tiêu| 01/08/2013 08:59

Nền kinh tế đang chứng kiến những khó khăn trầm trọng của doanh nghiệp (DN) với hàng tồn kho lớn, ngân hàng với nợ xấu cao...

Chuyện bên ngoài kinh tế

Nền kinh tế đang chứng kiến những khó khăn trầm trọng của doanh nghiệp (DN) với hàng tồn kho lớn, ngân hàng với nợ xấu cao...

Đọc E-paper

Bức tranh kinh tế u ám, nhưng các giải pháp đưa ra lại chưa đủ để đem lại niềm tin là tình hình có thể được cải thiện. Nguyên nhân của nền kinh tế hiện nay không nằm trong lĩnh vực kinh tế mà nằm bên ngoài kinh tế.

Vì vậy, các nhà kinh tế có nói mãi, có giải thích mãi thì vẫn không giải quyết được vấn đề. Mọi sự hỗ trợ, kích cầu đều không ăn thua, nếu muốn giải quyết vấn đề một cách thực sự, phải giải quyết những chuyện bên ngoài kinh tế.

Kinh tế Việt Nam dẫn đến tình trạng như hiện nay là do những đánh giá về kinh tế có vấn đề. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng 7% nhưng tăng trưởng GDP tới hơn 5,03%. Điều này chưa có trong lịch sử kinh tế Việt Nam, bởi thường phải đạt tăng trưởng tín dụng 20-30% mới tạo ra được mức tăng trưởng GDP 6 -7%.

Một số người làm thống kê cũng cho rằng, mức tăng trưởng của 2012 thấp hơn mức công bố. Năm 1999, tăng trưởng ở mức 4,77% nhưng tình hình kinh tế lúc đó không xấu như hiện nay.

Không nên đưa ra mức tăng trưởng hơn 5% như một chứng minh rằng nền kinh tế vẫn đang tốt. Ai cũng biết, nếu bắt tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chịu tiền thuê đất như DN tư nhân, bắt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải vay vốn để xây dựng cơ bản như DN tư nhân..., thì 100% DNNN đều lỗ.

Số liệu của Bộ Tài chính: Tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng và có tới 30 đơn vị có số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá ba lần trong số 85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Khu vực DNNN đang nắm 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng, nợ nần đều chồng chất, kiểm toán chỗ nào là chỗ đó "có vấn đề” nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Ở đây, có hai điểm quan trọng thuộc quan điểm phát triển mà chỉ có trung ương mới có thể quyết được.

Thứ nhất, dẹp bớt và thu hẹp lại DNNN. Trên thế giới, không có nền kinh tế thị trường thực sự nào mà lại có khu vực DNNN khổng lồ như Việt Nam, tới 34-35% GDP.

Cho nên, tái cơ cấu DNNN quan trọng nhất là phải thu hẹp khu vực DNNN, không cho chiếm 34-35% GDP nữa mà giảm xuống 15% như các nước trong khu vực. Thứ hai, buộc DNNN quản trị theo các chuẩn quốc tế.

Trung Quốc bắt tất cả các DNNN phải tuân theo chuẩn của Tổ chức OECD, nhưng với con số gần 30% GDP, khu vực này đang có không ít bê bối. Việt Nam còn tới 34%, con số lớn hơn của Trung Quốc và quản trị hết sức tùy tiện, không theo chuẩn quốc tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế. Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất nền kinh tế, mới có thể thoát ra được bối cảnh hiện nay. Không thể tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên nền tảng, quan điểm cũ.

DNNN hoạt động không có hiệu quả, nếu để càng lớn, càng khó cho nền kinh tế nhưng có thay đổi được quan điểm không, có dám bỏ cụm từ "kinh tế nhà nước làm chủ đạo" không, nếu không thay đổi được thì không thể tái cơ cấu được DNNN cũng như nền kinh tế.

Một vấn đề nữa là thể chế hành chính và thể chế kinh tế. Các nhà kinh tế được giải thưởng Nobel trong 10 năm gần đây đều nhất trí một điểm: thể chế kinh tế là quyết định. Dubai đã dập khuôn thể chế kinh tế của Singapore trong nhiều lĩnh vực và khá thành công.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một trong ba khâu đột phá của chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng nguyên bản những thể chế kinh tế thị trường của Singapore, thay vì bàn đi, bàn lại và thêm thắt khiến nó trái với thông lệ quốc tế.

Nền kinh tế thị trường trên thế giới đã định hình, thể chế tài chính đã được hoàn thiện mấy trăm năm, thể chế tiền tệ cũng đã đạt đỉnh. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1928-1929, Hoa Kỳ đã để cho 1.000 ngân hàng thương mại phá sản.

Việt Nam hướng tới kinh tế thị trường nhưng lại không đi theo những cái đỉnh ấy, tái cơ cấu ngân hàng mà lại không muốn cho ngân hàng nào phá sản. Sản xuất đình đốn, DN tư nhân phá sản và chết như rạ, trong khi DNNN, khu vực gây tai họa cho nền kinh tế lại không có DN nào chết hay phá sản.

Định hướng đổi mới thể chế kinh tế là định hướng hiện đại theo thông lệ quốc tế, không nên lấy đặc thù của Việt Nam để loại bỏ những yếu tố hiện đại và nếu không có được những đổi mới ấy thì tình hình sẽ vẫn lại như cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện bên ngoài kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO