Chăm ngọn cũng cần bón gốc

HỒNG BÍCH| 20/09/2014 03:42

Tuần qua, tin tức về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một tiêu điểm quan trọng đối với cả xã hội.

Chăm ngọn cũng cần bón gốc

Tuần qua, tin tức về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một tiêu điểm quan trọng đối với cả xã hội.

Đọc E-paper

Với học sinh tiểu học và trung học cơ sở còn có thời gian để chuẩn bị, chỉ những học sinh năm nay bắt đầu lên lớp 12 hẳn đối diện với khủng hoảng tâm lý vì bao năm lỡ học tủ học lệch để chạy theo kỳ thi tuyển sinh đại học theo khối ngành.

Tuy nhiên, vui nhiều hơn lo buồn. Vui ở chỗ một học sinh sẽ phải trải qua kỳ thi với ba môn toán, văn và ngoại ngữ cộng thêm một môn tự chọn. Kết cấu chương trình thi như thế, chúng ta đỡ phải sốc trước các cử nhân ngành khoa học tự nhiên làm toán lý nhanh hơn máy tính, nhưng viết một báo cáo, một đề xuất cứ như gà mắc tóc.

Chúng ta cũng đỡ phải đau lòng khi có đứa con giỏi văn nhưng kém toán, đi họp phụ huynh bị cả thầy cô lẫn phụ huynh trong lớp "mặc định" cái bảng điểm của con mình tầm thường quá. Trong khi đó có lớp học sinh đều giỏi toán, kém văn thì không thấy phụ huynh nào lo lắng.

Chuyện cá nhân thì thế. Còn xã hội, với một lượng khổng lồ những người trẻ sắp học hết chương trình phổ thông đều phải điều chỉnh lại thái độ, mục đích học môn văn, nhất định môi trường xã hội trong tương lai cũng sẽ thay đổi, mà thay đổi tích cực.

Một doanh nhân thành đạt trong ngành sản xuất phân bón nông nghiệp kể rằng, công ty ông tuyển nhân viên toàn các ngành bách khoa, ngoại thương, quản trị kinh doanh. Nhưng khi phỏng vấn bảo viết một bài luận ngắn chủ đề "Bạn là ai?" thì các cử nhân đều không trả lời thấu đáo đủ đem lại niềm tin cho nhà tuyển dụng.

Câu chuyện ngắn gọn nhưng bao hàm một điều vô cùng lớn. Một khối lượng kiến thức khổng lồ, đầy đủ đã được bồi dưỡng luyện tập suốt 12 năm học phổ thông, nhưng do cách dạy và học thụ động đã không thúc đẩy học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ bằng chính khối óc và con tim của mình.

Họ chỉ có thể trả lời bằng kiến thức học từ sách giáo khoa vốn không bao giờ được các nhà tuyển dụng khó tính chấp nhận. Một cử nhân không diễn đạt nổi tinh thần, thể chất, ước vọng sống của chính mình mà bảo nhạy bén với thị trường, dẫn dắt tâm lý khách hàng thì vô lý quá!

Hy vọng kỳ thi quốc gia sẽ là cú hích thay đổi không chỉ trong dạy và học, mà là sự thay đổi lớn cho xã hội khi môn văn và ngoại ngữ trở thành chìa khóa quan trọng để vào đời.

Nhưng mọi quyết định đều có hai mặt. Một kỳ thi quốc gia duy nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố và hướng dẫn thực hiện ngay vào năm 2015 chắc chắn sẽ làm lộ rõ thực trạng của học sinh, sẽ không còn nhiều thủ khoa đạt điểm tối đa như trước vì trót học lệch bao năm.

Nhưng cũng phải thấy với kỳ thi đó, chúng ta tiếp tục đòi hỏi cái ngọn phải vươn cao, con người phải vừa có tư duy logic, vừa thấu hiểu nhân văn, mà chưa thay đổi cách dạy và cách học thì cũng như chưa chăm từ gốc rễ.

Với thực trạng đầu tư cho ngành sư phạm với những người có số điểm thi tuyển sinh đầu vào đại học thấp nhất, cộng với mức thu nhập thấp, khó xin việc, ngành giáo dục từ bao năm nay ít cơ hội quy tụ nhân tài. Nay việc cải cách giáo dục đáng lẽ phải xông vào điểm nóng "con người" thì vẫn chưa có phương án nào đặt ra quyết liệt!

Với một đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo chất lượng đối diện với sự thay đổi liên tục của sách giáo khoa, phương án thi cử, có thể hình dung ra học sinh và phụ huynh cũng đành đặt hết niềm tin vào chương trình học thêm và luyện thi ngoài giờ đến trường.

Bởi vậy dư luận còn mong chờ việc quyết định tổ chức "một kỳ thi quốc gia duy nhất" sẽ đi kèm với cải cách toàn diện về chất lượng dạy và học ở các cấp học phổ thông.

>Thư cho con: Cuộc đời lớn hơn mọi kỳ thi
>Trong lúc chờ con thi đại học
>
Đầu tư cho tương lai của con cái

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chăm ngọn cũng cần bón gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO