Chăm ngọn, bỏ gốc?

ANH THƯ| 04/07/2009 03:38

Đề án tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, nếu được thông qua sẽ triển khai ngay trong năm học 2009-2010. Tuy nhiên, đề án này đã không nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chăm ngọn, bỏ gốc?

Đề án tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, nếu được thông qua sẽ triển khai ngay trong năm học 2009-2010. Tuy nhiên, đề án này đã không nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Tăng học phí là giải pháp nhằm xác định tỉ lệ chia sẻ chi phí giữa Nhà nước, người học và cộng đồng, bù đắp những chi phí của ngân sách giáo dục, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Quý 4 năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh mức học phí. Ảnh: Hoàng Hà.

Từ năm 1990 đến nay, đầu tư cho giáo dục VN đã tăng gấp 40 lần, trong khi thu nhập bình quân tăng chưa đến 3 lần. Chính sự ưu ái cho giáo dục này đã giúp chúng ta có thêm nhiều trường học, nhiều người được đi học và mặc dù nước ta ở trong nhóm 30 nước có thu nhập thấp nhưng chỉ số phát triển con người (có tính tỷ lệ nhập học các cấp giáo dục) lại đứng ở tốp giữa.

Giải thích về việc tăng học phí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, khẳng định: “Những người không đủ chi phí tối thiểu để mua giày dép, sách vở, tiền gửi xe đạp cho con em... thì ngoài việc miễn học phí, Chính phủ còn hỗ trợ tiền để mua các đồ dùng đó”.

Vì vậy, tăng học phí “chắc chắn sẽ làm giảm số học sinh bỏ học”. Có lẽ, trước khi đưa ra các phương án tăng học phí, ngành giáo quên không tính chi tiết học sinh, sinh viên nghèo sẽ được nhận thêm bao nhiêu tiền hỗ trợ. Phải tính theo cách của một nền giáo dục tiến bộ là học phí không thể là gánh nặng không thể kham nổi đối với những người nghèo tiền nhưng muốn học.

Học phí là chuyện nhạy cảm nhưng vấn đề đáng nói là chất lượng giáo dục. Liệu tăng học phí, chất lượng giáo dục sẽ tăng?

Nhà nước hằng năm luôn ưu tiên cho ngành giáo dục và ngân sách chi cho ngành năm 2008 đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thế nhưng, như một vị giáo sư thừa nhận, “ngay cả ngành cũng không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước cho giáo dục”.Nhưng có lẽ cũng không cần đánh giá, thì thực tế cũng cho thấy rõ yếu kém của giáo dục VN.

Người ta cần giáo dục được hình thành bởi các nhu cầu của nền kinh tế, để sản phẩm đầu ra của nền giáo dục là con người với những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng ứng xử thỏa mãn các đòi hỏi của xã hội.

Trong khi đó, toàn cầu hóa đòi hỏi đầu ra của giáo dục phải thỏa mãn nhu cầu của cả thế giới, nếu không muốn tụt hậu. Xét về mặt đó, giáo dục của VN thực sự trì trệ khi lấy ví dụ 4.000 sinh viên của giáo dục đại học VN không chọn nổi một người có thể làm việc được cho nhà máy của Intel.

Sự lãng phí trong làm giáo dục cũng đang làm người ta phân vân với đề nghị tăng học phí. Trong khi loay hoay tính toán tăng bao nhiêu tiền học phí, liệu Bộ có biện pháp nào nâng cao hiệu quả của khoản chi lên tới 20% ngân sách?

Tiền nhiều nhưng không thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục sẽ dẫn đến một hậu quả rất nghiêm trọng khác. Trong cơ chế hiện tại, chúng ta càng đổ tiền của vào ngành giáo dục và đào tạo bao nhiêu, nhằm tạo ra được những chỉ tiêu đẹp mắt như tỷ lệ phổ cập cấp I, cấp II, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ cử nhân..., thì tăng trưởng kinh tế và thu nhập càng chậm lại bấy nhiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chăm ngọn, bỏ gốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO