Câu hỏi quan trọng cho ngành ôtô Việt Nam

05/11/2012 05:53

Việt Nam có xác định ngành ôtô là một trong những ngành then chốt của nền kinh tế hay không là câu hỏi quan trọng, theo ông Joe Hinrichs - Phó chủ tịch Tập đoàn Ford Motor.

Câu hỏi quan trọng cho ngành ôtô Việt Nam

Việt Nam (VN) có xác định ngành ôtô là một trong những ngành then chốt của nền kinh tế hay không là câu hỏi quan trọng, theo ông Joe Hinrichs - Phó chủ tịch Tập đoàn Ford Motor, một trong hai ứng cử viên sáng giá thay thế ông Alan Mulally - TGĐ tập đoàn Ford Motor sẽ nghỉ hưu vào năm 2013.

Trong khi các thị trường ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia, Philipines và nhiều nước Châu Á có mức tăng trưởng mạnh thì thị trường VN lại sụt giảm ghê gớm, tới hơn 40%. (Ảnh minh họa, nguồn ảnh: VnExpress)
Ông Joe Hinrichs đang có chuyến công tác tại VN với mục đích trao đổi, kiểm tra, gặp gỡ nhân viên của nhà máy Ford tại Hải Dương theo định kỳ.

* Ông đánh giá thế nào về thị trường ôtô VN cũng như tình hình của Ford VN so với những năm trước?

- Bất ngờ lớn! Trong khi các thị trường ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia, Philipines và nhiều nước Châu Á có mức tăng trưởng mạnh thì thị trường VN lại sụt giảm ghê gớm, tới hơn 40%. Sự sụt giảm đó dẫn đến tình hình nghiêm trọng cho thị trường lẫn hoạt động của các doanh nghiệp (DN).

Ford VN cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường chung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bằng nhiều hoạt động như gia tăng đầu tư, đưa ra thị trường những mẫu xe mới nhất như Ranger và New Focus hoàn toàn mới.

* Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên của thị trường ôtô VN và ông có lời khuyên nào cho Chính phủ VN thể thúc đẩy thị trường và gia tăng đầu tư của các DN, các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng?

- Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ các chính sách liên quan về mục đích, định hướng phát triển của ngành ôtô trong nền kinh tế của VN, thuế, lệ phí, tính ổn định về chính sách… Một trong những điều quan trọng trong sản xuất, lắp ráp ôtô là hoạch định kế hoạch kinh doanh, mà điều này cần thời gian ổn định ít nhất 4 - 5 năm. Nhưng tại VN, các DN làm năm nay nhưng không biết năm sau sẽ như thế nào, có gì thay đổi hay không, nhất là những vấn đề liên quan đến phí, lệ phí, thuế… làm cho các DN, nhà đầu tư luôn trong tình trạng lo ngại.

Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lớn ở thị trường VN, là một trong những thị trường quan trọng của ASEAN. Nhưng việc đầu tư lâu dài cũng cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ trong việc giữ ổn định các chính sách hỗ trợ đầu tư và thuế. VN có xác định ngành công nghiệp ôtô là ngành then chốt của nền kinh tế hay không? Đây là câu hỏi quan trọng cho VN.

* Hiện nay Ford đang đóng cửa hai nhà máy ở Châu Âu, Philipines ? Liệu có sự tái cơ cấu sản phẩm trong ngành công nghiệp này hay sự dịch dịch chuyển từ Châu Âu sang Châu Á hay không?

- Đúng là có sự dịch chuyển. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường then chốt của chúng tôi trong thời gian tới với 60 - 70% tăng trưởng của Ford phụ thuộc vào thị trường này. Trong đó, tập trung mạnh nhất tại Trung Quốc (hiện đang có 5 nhà máy), Ấn Độ 9 (đang có 2 nhà máy) và ASEAN với việc mở thêm 9 nhà máy và sẽ có 50 sản phẩm và hệ truyền động mới ra dời trong thập kỷ tới và tiếp tục duy trì chiến lược One Ford.

* Ông đã bao giờ suy nghĩ về việc đóng cửa nhà máy tại VN hay chưa? Nếu không thì Ford có kế hoạch đầu tư gì thêm không?

- Chúng tôi xác định nhà máy tại Hải Dương là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tại ASEAN và Châu Á. Chúng tôi không có kế hoạch đóng cửa nhà máy mà ngược lại, chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư thêm vào cơ sở sản xuất tại VN. Mỗi nhà máy có một vai trò của nó. Chúng tôi lập kế hoạch đầu tư và kinh doanh tại các địa phương theo chiến lược thời hạn ít nhất là 5 năm. Và trong vòng năm năm tới, Ford đang có nhiều kế hoạch sản phẩm mới tại VN.

Tuy nhiên, câu hỏi của anh sẽ quay lại vấn đề là chính sách cho ngành công nghiệp ôtô VN sẽ đi về đâu, Chính phủ VN muốn thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi về đâu và sản lượng tiếp theo của thị trường này là gì? Mọi người cũng có thể hiểu, trong thị trường ASEAN thì Thái Lan hay Indonesia đều có mức tăng trưởng khá tốt. Điều này có được là nhờ sự tăng trưởng của các ngành liên quan cũng như sự nổ lực của các bên liên quan.

Sắp tới khi các hiệp định thương mại ASEAN đi vào hiệu lực, liệu VN có muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực hay không? Đây không phải là câu hỏi riêng cho Ford mà là một câu hỏi lớn cho toàn ngành công nghiệp ôtô tại VN.

* Trên thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng phụ tùng linh kiện ôtô tại VN đạt mức xuất khẩu hơn 2 tỉ USD. Liệu Ford có kế hoạch phát triển một vài sản phẩm linh kiện phụ tùng nào đó để xuất khẩu hoặc kêu gọi các nhà đầu tư trong hệ thống của mình để thực hiện điều ấy không?

- Câu hỏi này liên quan rất nhiều đến quy mô thị trường, quy mô sản lượng để có thể cạnh tranh về mặt giá cả trên toàn cầu. Trong tình hình năm 2012 khi sản lượng của thị trường ôtô VN là dưới 100.000 xe/năm thì hệ thống của các nhà phụ trợ sẽ còn ít hơn như vậy nữa và không giống như ở Thái Lan. Như vậy nguyên lý ở đây là hoặc là thị trường nội địa phải có sản lượng đủ lớn để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư về phụ tùng và linh kiện vào. Hoặc thị trường phải có một quy chế hỗ trợ nhất định để có được lợi thế về mặt giá cả và chi phí.

Ford mong muốn có thêm nhiều nhà cung cấp phụ trợ nội địa, tuy nhiên khách hàng mong muốn trả ít hơn để có được phương tiện như ý. Điều này tạo ra nghịch lý để có thể thu hút thêm nhà đầu tư về linh kiện. Điều này cũng đưa chúng ta trở về vấn đề nền tảng đã được bàn bạc rất nhiều là vị trí của ngành ôtô trong nền kinh tế VN.

Tôi mới làm việc tại Ấn Độ, Nam Phi và một số nước khác, và ở đâu các chính phủ cũng kêu gọi mạnh mẽ sự đầu tư từ ngành ôtô và có những chính sách ưu đãi nhất định để thu hút đầu tư. Ở VN lại là một nghích lý khi Chính phủ ngày càng đưa ra nhiều hạng mục thuế và các gánh nặng chi phí khác lên vai người tiêu dùng. Chúng tôi không biết ngành ôtô tại VN sẽ đi về đâu, và những gánh nặng đó sẽ tiếp tục đè lên vai người tiêu dùng như thế nào.

Chúng ta cũng thấy rất cần thiết phải nói chuyện với nhau rất cởi mở rằng chúng ta có xác định ngành ôtô là ngành công nghiệp chủ chốt để phát triển nền kinh tế hay không? Nếu có thì chính sách sẽ phải thay đổi để hỗ trợ được ngành để có được sự phát triển chung như vậy. Ford rất mong muốn được tham gia thảo luận những vấn đề này cùng chính phủ.

* Ví dụ một ngày nào đó Chính phủ VN tuyên bố không cần đến ngành công nghiệp ôtô nữa, cảm nghĩ của ông sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng đó là một câu trả lời rất khác với các nước khác trên thế giới. Tôi rất tôn trọng các quyết định của Chính phủ. Có thể khi họ chọn ưu tiên nào đó thì họ cũng đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Tôi chỉ có thể đưa ra quan điểm của mình từ góc nhìn của ngành công nghiệp ôtô, vẫn còn có nhiều góc nhìn từ các ngành khác nữa. Các nền kinh tế khác trên thế giới đều kêu gọi hỗ trợ cho sự phát triển ôtô cũng như phát triển bán hàng của ngành ôtô, vì những yếu tố này liên quan đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tôi cảm thấy thú vị khi Thái Lan và Indonesia, hai nước trong cùng khu vực với các bạn đang đạt mức tăng trưởng về ôtô với tốc độ tên lửa. Còn VN thì lại rơi với tốc độ tên lửa.

* Xin cảm ơn ông.

Ông Joe Hinrichs

Hầu hết chính phủ nhiều nước đều phát triển ngành ôtô dựa trên các yếu tố cơ bản như phát triển cơ sở hạ tầng và tốc độ tăng trưởng chung; đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ một cách cụ thể và ổn định cho các DN, nhà đầu tư vào; đẩy mạnh việc phát triển, hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm để từ đó tạo điều kiện giúp các DN sử dụng vốn đầu tư ngược trở lại.

Vấn đề là VN xem và đặt vị trí của ngành công nghiệp ôtô ở đâu? Chính sách có ổn định không? Tôi lấy hai ví dụ ở Thái Lan và Trung Quốc:

Tại Trung Quốc, hơn 10 năm trước họ đã xác định ôtô là một trong 4 ngành then chốt của nền kinh tế, và họ vẫn giữ nguyên chính sách phát triển như vậy từ đó đến nay. Đó là nền tảng mấu chốt cho sự phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô nước này.

Tương tự là Thái Lan với việc xác định tầm quan trọng then chốt của ngành công nghiệp ôtô. Minh chứng rõ nhất cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Thái Lan là sự ổn định về mặt chính sách. Nếu có thay đổi về chính phủ thì chính sách với ngành công nghiệp ôtô vẫn không thay đổi. Nhiều nước khác như Nam Phi, Ấn Độ... đều xem ôtô là ngành then chốt trong nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu hỏi quan trọng cho ngành ôtô Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO