Cân đối ngân sách: Không đơn giản

HẢI VÂN thực hiện| 17/04/2013 09:38

Nhìn vào thực trạng nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định: "Bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 4,8% GDP, do thu thì hẹp mà áp lực chi lại rất lớn".

Cân đối ngân sách: Không đơn giản

Nhìn vào thực trạng nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định: "Bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 4,8% GDP, do thu thì hẹp mà áp lực chi lại rất lớn".

>>2.647 tỷ đồng có đủ gỡ khó cho DN?

Đọc E-paper

* Quý I năm 2013 đã qua, ông nhận định thế nào về tình hình thu, chi ngân sách?

- Ngân sách hiện nay cực kỳ khó khăn. Nó phản ánh rõ xu hướng từ năm 2012 và có phần đậm hơn trong quý I này, nếu nhìn vào thu so với dự toán hoặc so với mức tăng cùng kỳ. Thời điểm này người ta quan tâm hơn đến phần chi, đặc biệt là chi đầu tư công, ra rất chậm trong bối cảnh tín dụng chưa ra được, tăng trưởng tín dụng gần như bằng 0 so với cuối năm ngoái.

* Diễn biến quý I như vậy, ông đánh giá thế nào về tình hình ngân sách năm nay?

- Nếu nhìn cho cả năm, có mấy vấn đề: Nguồn thu tiếp tục khó khăn vì năm nay được dự báo kinh tế vẫn chưa phục hồi, kể cả khi thực hiện được mục tiêu tăng trưởng quanh con số 5,5%, một mức tăng trưởng tương đối thấp.

Chúng ta muốn một chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng nên nửa đầu năm, chi đẩy mạnh hơn ở phần đầu tư công. Cách làm năm nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ sớm các dự án đầu tư "đã được giao".

Theo Tổng cục Thống kê, so với dự toán cả năm, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 15/3 mới đạt 136,3 ngàn tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch năm. Tổng chi ước đạt 171,9 ngàn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,6% dự toán cả năm.

Tuy nhiên, kết quả vẫn rất chậm, ba tháng đầu năm mới được khoảng 18% kế hoạch, trong bối cảnh bản thân nội tại hệ thống ngân hàng cũng có nhiều vấn đề, tín dụng chưa ra được càng làm cho kinh tế khó khăn hơn trong khi chúng ta mong mỏi là dần dần hồi phục và đấy là vấn đề của điều hành.

Nhìn vào thu, nhìn áp lực chi và những vấn đề liên quan đến điều hành chính sách cho nền kinh tế ổn định, để góp phần đảm bảo cân đối ngân sách theo xu hướng giảm dần từ nay đến năm 2015 là không hề đơn giản.

Hiện, áp lực chi rất lớn. Trong chi đầu tư công, vốn đối ứng cho ODA là rất quan trọng, mà vốn đối ứng là từ ngân sách, nhưng giải ngân ODA ba tháng đầu năm 2013 đã chậm lại, ước đạt 290 triệu USD, đây cũng là khó khăn từ năm ngoái.

Ngoài ra, nợ xây dựng cơ bản cũng làm tăng thêm áp lực chi. Hiện con số nợ đọng đã lên đến khoảng 90.000 tỷ đồng và Thủ tướng giao mỗi năm phải giải quyết được 1/3 số nợ này. Đó là chưa nói đến chuyện tăng lương và yêu cầu tăng lương vào 1/7 tới... Do đó, bội chi ngân sách cũng rất khó giữ được mức 4,8% GDP, bởi thu thì hẹp mà áp lực chi lại rất lớn.

* Vậy theo ông, điều gì đang diễn ra đằng sau việc thu chi ngân sách này?

- Nhìn ngắn hạn, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn hết sức khó khăn, rủi ro bất ổn còn cao, sản xuất kinh doanh vẫn đình trệ, nhất là sản xuất công nghiệp. Cái khó hiện nay là làm sao để nền kinh tế dần phục hồi, tiếp tục ổn định, trong bối cảnh phải bắt tay vào tái cấu trúc, nhất là đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước...

Khó cả về nghệ thuật điều hành, cả về tháo gỡ chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô. Nửa năm sau, nợ xấu có thể được xử lý, các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu, tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt lên, tín dụng bắt đầu ra được thì ngân sách có thể chặt chẽ hơn một chút... Tất cả những điều đó phụ thuộc vào cách điều hành.

Nhìn dài hạn, vẫn là vấn đề được nói lâu nay, phải tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng có một số điểm rất quan trọng liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và rất nhiều vấn đề khác đó là phân cấp, sửa đổi Luật Ngân sách.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cân đối ngân sách: Không đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO