Các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam

TS. ĐINH TUẤN MINH| 29/12/2016 06:22

Để duy trì tăng trưởng bền vững và khai thác được tiềm lực tăng trưởng, cần xác định những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi với GDP năm 2016 dự kiến tăng 6,3%. Để duy trì tăng trưởng bền vững và khai thác được tiềm lực tăng trưởng, cần xác định những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đọc E-paper

Kết quả nghiên cứu về “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng” công bố mới đây bước đầu đã chỉ ra những rào cản về mặt thể chế, chính sách của nền kinh tế liên quan đến thuế, cấp phép kinh doanh và lao động.

Nước ta đã có nhiều cải cách về chính sách thuế, đáng chú ý là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cải thiện hệ thống thu thuế. Mức thuế của Việt Nam hiện nay là tương đối cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân còn ở mức cao, nếu nhìn vào mức thu nhập cao nhất phải chịu thuế của Việt Nam hiện rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Cạnh đó, mức thuế DN hữu hiệu của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức thuế không phải là rào cản chính đối với sự phát triển của DN. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thời gian nộp thuế của DN Việt Nam còn rất cao, hơn 1,8 lần so với Lào và gấp 8 lần so với Singapore. Điều này cho thấy việc thu thuế của Việt Nam còn kém hiệu quả.

Kiểm định về việc thay đổi các mức thuế ảnh hưởng đến hành vi đầu tư của DN ghi nhận “có ảnh hưởng nhưng không thực sự mạnh”. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho kết quả tương tự, ảnh hưởng của mức thuế đến đầu tư của DN là không rõ ràng.

Nếu cải cách để giảm được các tồn tại trong quản lý thuế sẽ giúp DN đầu tư nhiều hơn. Hơn nữa, việc ngăn DN trốn thuế chỉ hữu hiệu khi việc quản lý thuế hiệu quả.

Hiện nay chưa có những kiểm định về mặt định lượng như mức thuế cao hay quản lý thuế rắc rối khiến DN có hành vi hối lộ cán bộ thuế. Mới chỉ có những kiểm định định tính cho thấy quản lý kém hiệu quả khiến DN có hành vi trốn thuế.

Số lượng các vụ điều tra trốn thuế, gian lận thuế tăng. Trong 9 tháng của năm nay, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 1.990 DN báo cáo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn 1.559,8 tỷ đồng, giảm lỗ 4.720 tỷ đồng, giảm khấu trừ 99,9 tỷ đồng.

Đặc biệt trong khu vực FDI, nhiều DN thừa nhận có hành vi trốn thuế bằng cách khai báo không có lợi nhuận. Thanh tra 870 DN đầu tư nước ngoài đã phát hiện 720 DN có vi phạm. Tỷ lệ DN vi phạm ở TP.HCM là 85%, ở Hà Nội là 90%.

>>Giải pháp khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế

Sau những cải cách hành chính, quy định về giấy phép kinh doanh của Việt Nam đang tốt lên cả về thủ tục lẫn thời gian cấp phép, nên không còn là rào cản chính cho phát triển DN. Hiện tỷ lệ DN coi giấy phép kinh doanh là rào cản chính thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã dỡ bỏ nhiều rào cản liên quan đến giấy phép kinh doanh.

Các thay đổi về giấy phép kinh doanh có tác động mạnh đối với việc thành lập DN. Sau hơn một năm ban hành, đã có 105.975 DN thành lập, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, các thông tin thu thập từ WB đã không xác nhận giả thuyết DN các ngành chịu nhiều gánh nặng về giấy phép kinh doanh có xu hướng hối lộ nhiều hơn.

Thể chế lao động chưa phải là một yếu tố hạn chế tăng trưởng trong 5 - 10 năm. Nghiên cứu của WB năm 2014 cho thấy, DN không coi thể chế lao động là trở ngại. Ngay cả với những DN coi thể chế về lao động là một rào cản thì cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng, doanh thu. Giai đoạn 2009 - 2015, tăng trưởng việc làm trong DN không tương quan với chi phí lao động.

Số liệu của WB cũng chỉ rõ mức thuế lao động mà DN phải đóng tính trên lợi nhuận của DN không có liên hệ gì với tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp. Thuế lao động cũng không có liên hệ với tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có số liệu để kiểm nghiệm về bảo vệ việc làm tác động thế nào đến đầu tư, nhưng xu hướng của thị trường lao động và quan điểm của DN trong các khảo sát gần đây cho thấy nó chưa phải là rào cản đầu tư tư nhân.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, Nhà nước cần tập trung cải thiện tính hiệu quả của hệ thống thuế, cân nhắc giãn và nâng các mức chịu thuế thu nhập.

Cạnh đó, thể chế đăng ký kinh doanh cần cải thiện mạnh hơn, như giảm thủ tục đăng ký, giảm thời gian đăng ký. Nâng cao trình độ lao động, đặc biệt là trình độ quản lý trong thể chế lao động.

HẢI VÂN ghi

>>5 biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh cho nhà cung cấp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO