Bàn thêm về Thông tư 39

TS. PHAN MINH NGỌC| 16/02/2017 00:40

Thông tư 39 Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có một số điều khoản cần cân nhắc và điều chỉnh.

Bàn thêm về Thông tư 39

Thông tư 39 Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 30/12/2016 và có hiệu lực thi hành từ 15/3/2017.

Nội dung của văn bản này được cho rằng đã được điều chỉnh sát hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, theo người viết, vẫn còn một số điều khoản cần cân nhắc và điều chỉnh. Cụ thể:

Điều 6, về sử dụng ngôn ngữ, Thông tư 39 quy định thỏa thuận cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cả khách hàng và ngân hàng cho vay đều là nước ngoài thì quy định này không những thừa mà còn là một trở ngại không đáng có cho việc vay vốn tương ứng.

Điều 7 quy định khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này là hợp lý nếu khách hàng là doanh nghiệp vay vốn để sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu là khoản vay phục vụ cho mục đích tiêu dùng thì người vay làm sao đưa ra được phương án sử dụng vốn “khả thi”?   

Điều 8 quy định về những nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó có nhu cầu để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay. Trên thực tế, có một nghiệp vụ cho vay thông dụng là vay để đảo nợ, nhưng cả ngân hàng và khách hàng đều không thể hiện mục đích này trên giấy tờ, nên việc cho vay kiểu này không thể bị xử lý bằng pháp luật được, trừ khi cấm mọi hình thức cho vay nhiều lần cho cùng một khách hàng.

Cũng tại điều 8, nhu cầu vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài cũng bị cấm. Trên thực tế có những khoản vay để tất toán một hợp đồng vay vốn mua bất động sản với một ngân hàng bằng khoản vay mới cho cùng mục đích tại một ngân hàng khác, khi người vay thấy ngân hàng khác cho vay với các điều khoản và điều kiện dễ chịu hơn. Đây là một giao dịch vay vốn rất phổ thông ở nước ngoài, nên nếu bị cấm thì có nghĩa là cả người vay và ngân hàng đã bị tước đi những lợi ích tiềm năng, trong khi sự cạnh tranh trên thị trường lại bị hạn chế. Trên hết, dù có bị cấm thì mục đích cho vay này vẫn có thể thực hiện được mà không thể bị phát hiện hay xử lý khi mà trên giấy tờ không thể hiện mục đích này.

Khoản 2, Điều 13 quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn; sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; và kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Điều khoản trên liệu có là cần thiết khi chỉ quy định khống chế mức trần lãi suất ngắn hạn cho những khoản cho vay mà thường là trung và dài hạn như trong văn bản? Quan trọng hơn, điều khoản trên (và những điều khoản khác trong Thông tư 39) không đề cập thêm về quyền lợi của tổ chức tín dụng sẽ được hưởng khi phải cho vay trong giới hạn trần lãi suất thường là thấp hơn thị trường, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng. Trong điều kiện này, tổ chức tín dụng có thể chủ động giảm thiểu cho vay trong những lĩnh vực này (vì không có lợi bằng cho vay trong những lĩnh vực khác), tức sẽ đi ngược với chủ trương và mong muốn của NHNN.

Khoản 4, Điều 13 quy định trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả. Thực tế, với nhiều khoản vay thì lãi chậm trả không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả là quá thấp, thấp hơn cả lãi suất cho vay thông thường trong một số khoản vay, và điều này sẽ khuyến khích người vay trì hoãn trả nợ và lãi đúng hạn.

Cũng khoản 4, Điều 13 quy định, trong trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Có thể thấy mức lãi suất phạt này quá “mềm” so với lãi suất áp dụng cho các khoản vay chi tiêu qua thẻ tín dụng (lên đến trên 20%/năm), gây thiệt hại một cách bất công cho các tổ chức tín dụng, khi lãi suất vay trong hạn chỉ là, ví dụ, 10%/năm.

Điều 16 về cung cấp thông tin, có quy định khách vay phải báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết hoặc quá trói buộc với những khoản vay, ví dụ, tiêu dùng.

Điều 24 quy định khách hàng phải báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng. Điều này không phải là luôn cần thiết với những khoản vay tiêu dùng như đã lấy ví dụ ở trên.

>>Ngành ngân hàng 5 năm tới: Ít người chơi hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bàn thêm về Thông tư 39
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO