Âm vang tiếng trống Bình An

NGUYỄN HẢI TẦN| 30/01/2017 06:47

Ở Nam bộ, chỉ có một nơi duy nhất làm ra loại sản phẩm phục vụ cho hội hè, lễ lạc này: Làng trống Bình An.

Âm vang tiếng trống Bình An

Chiếc trống xưa nay luôn gắn với hội hè, đình đám, lễ tục... Vào những dịp lễ đặc biệt như Tết Nguyên đán, hội làng, hội thi, tiếng trống và người đánh trống có vai trò hết sức đặc biệt, đôi khi mang tính quyết định cho sự thành - bại, hay - dở của cuộc biểu diễn hay thi đấu. Ở Nam bộ, chỉ có một nơi duy nhất làm ra loại sản phẩm phục vụ cho hội hè, lễ lạc này: Làng trống Bình An.

Đọc E-paper

Làng trống Bình An - thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An - là làng làm trống lớn nhất, lâu đời nhất và cũng nổi tiếng nhất ở miền Nam. Làng Bình An có hơn 30 cơ sở làm trống chuyên nghiệp theo dạng "cha truyền con nối". Trống do làng Bình An làm ra hiện có mặt khắp các tỉnh thành miền Nam, trong đó riêng tỉnh Long An đã có trên 1.000 nơi sử dụng. Ngoài ra, trống Bình An còn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Campuchia...

Một điều thú vị là hầu hết nghệ nhân trong làng trống Bình An đều là người thuộc dòng họ Nguyễn. Theo những nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề trống Bình An ra đời cách đây gần 200 năm, do ông Nguyễn Văn Ty khởi xướng.

Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An về các tỉnh miền Tây.Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện nhiều người ở dọc sông Vàm Cỏ làm thịt trâu, đem bỏ phần da thả trôi trên sông. Ông lấy da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống. Vì không có đồ nghề và cũng chưa có kinh nghiệm, nên trống do ông Ty làm ra tiếng kêu không được lớn và thanh.

Sau khi ông Ty qua đời, con cháu ông tiếp tục làm trống. Và từ mục đích ban đầu là giải trí, họ từng bước đưa trống thành hàng hóa. Những thợ làm trống sáng chế ra nhiều thế cách và đồ nghề để làm công cụ bịt trống. Thân trống được làm bằng gỗ sao để đảm bảo độ bền cao. Trống được sơn màu đỏ và thiết kế bề ngoài ngày càng đẹp. Tiếng trống đánh lên âm sâu và vang xa.

Từ những năm 1950 của thế kỷ trước, trống Bình An đã nổi đình nổi đám khắp miền Nam, miền Trung. Tiếng tăm lan ra cả các nước Đông Nam Á.

Thông thường, để làm được chiếc trống chất lượng, đảm bảo tiếng kêu âm vang và độ bền cao, phải dùng da trâu tươi nguyên tấm, lành lặn, không dùng da bò hay da ướp muối. Trước ngày đi mua da, người thợ cả phải dự đoán thời tiết. Nếu chắc rằng trong những ngày tới trời sẽ nắng ráo, thì từ 1 -2 giờ sáng, người làm trống ở ấp Bình An đã lặn lội lên các lò mổ trâu ở TP.HCM để mua da trâu tươi mang về trước khi mặt trời lên. Tiếp đó, họ dùng dao bén để cạo sạch lớp lông bên ngoài và lớp mỡ phía trong da, rồi đem phơi da trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày.

Khi da khô, thợ làm trống cắt da theo mặt trống định làm, rồi lại dùng dao bén để lạng mỏng. Đây là công đoạn rất khó, đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao, bởi độ mỏng - dày tùy thuộc yêu cầu sử dụng và loại gỗ làm thùng trống (gọi là dăm trống). Mặt trống lớn thì lạng da dày, mặt trống nhỏ thì lạng da mỏng. Làm "trống văn" thì da phải mỏng hơn da của "trống võ”. Dăm trống cứng thì lạng da dày, dăm trống mỏng hoặc mềm thì lạng da mỏng. Da trống ở phần giữa, nơi sẽ gõ dùi trống vào, phải dày hơn bên ngoài. Sau đó, da trống được đem phơi thêm mấy ngày nữa, rồi đem nhúng qua nước cho dẻo trước khi căng lên mặt trống. Những người thợ sẽ dùng dùi xỏ lỗ và dùng những sợi dây cũng được cắt bằng da trâu xuyên qua lỗ và kéo cho căng mặt trống.

Trống Bình An thường có độ bền từ 20 đến 30 năm. Nếu mặt trống bị lủng có thể bịt lại mặt và tiếp tục sử dụng.

Ngày trước, những người thợ trống ở Bình An thường mua nguyên cây gỗ lớn về cắt khúc, khoét rỗng ruột rồi bịt da lên. Ngày nay, do thân gỗ lớn ngày càng hiếm nên chỉ còn những loại trống có đường kính nhỏ như trống chiến, trống bát, trống cơm, trống lệnh, trống bồng là được làm dăm liền bằng cách khoét rỗng khúc gỗ. Còn các loại trống lớn như trống đình, trống lân, trống chầu... phải dùng loại dăm ghép bằng gỗ sao, nhưng âm thanh khi đánh lên cũng không hề thua kém dăm liền.

Những cây gỗ sao được mua về, xẻ ra thành từng tấm ván, rồi đem hơ trên lửa để uốn cong. Khi làm dăm trống, người ta lấy những tấm ván đã uốn cong, bào bớt hai đầu rồi ghép lại thành thùng trống. Bên trong và bên ngoài thùng trống được cố định bởi các niền bằng mây hay sắt.

Việc tạo hình thùng trống phải dựa vào yêu cầu về âm thanh của chiếc trống khi sử dụng. Nếu làm trống trường học thì tiếng trống nghe thanh, ván ghép dăm trống phải uốn ít cong và dài; nếu là trống cho đình chùa thì tiếng phải vang rền như sấm, thân trống phải ngắn và bầu ra.

Sau khi làm sạch và láng thân trống, người ta bắt đầu hồ trống. Thân trống được phủ một lớp bột gồm thổ huỳnh trộn với hồ bột, để tạo độ kín và giúp cho lớp sơn bóng và bền. Khi lớp bột thổ huỳnh đã khô, người ta sơn trống theo hai màu truyền thống là đỏ và đen.

Các nghệ nhân Bình An thường vẽ lên mặt trống một hình mặt trăng có biểu tượng âm dương màu đen và đỏ. Biểu tượng ấy vừa mang tính thẩm mỹ, vừa là điểm chuẩn để những người đánh trống gõ dùi tạo nên âm thanh hay nhất. Còn trên thân trống lân, trống bát có thể vẽ hình rồng, mây... theo ý muốn của người đặt hàng.

>>Tết về trên các làng nghề cổ truyền Hà Nội

Làng trống Bình An có nhiều nghệ nhân từng vang danh. Trước năm 1975, các đoàn lân ở Chợ Lớn đều tìm về đây để nhờ "thầy Mười Long An", tức ông Nguyễn Văn Chắn, làm trống lân. Bây giờ người cháu họ của ông Chắn là ông Nguyễn Văn Mến cũng là nghệ nhân số một trong việc làm loại trống này.

Ông Mến là cháu đời thứ năm của cụ tổ làm trống Nguyễn Văn Ty. Ông theo cha học nghề từ nhỏ, và được chính thức truyền nghề vào năm 16 tuổi. Ông Mến đã miệt mài phát huy kỹ thuật truyền thống của gia đình, đồng thời bỏ nhiều công nghiên cứu để tạo ra những chiếc trống có âm thanh ngày càng hay hơn, phù hợp với từng công việc cụ thể. Điều đó đã giúp ông nhanh chóng tạo được tiếng tăm cho mình.

Đến nay, hầu hết các đoàn lân lớn ở TP.HCM đều sử dụng trống lân "Năm Mến". Đây có thể xem là một sự kết hợp khá đặc biệt và thú vị, vì trong khi nghệ thuật múa lân - sư - rồng hầu như vẫn do người Hoa "độc quyền" thì kỹ thuật làm trống lân lại nằm trong tay người Việt.

Không chỉ giỏi làm trống lân, ông Năm Mến còn là nghệ nhân có tay nghề cao nhất trong việc làm trống nhạc của giàn nhạc lễ - loại trống khó chế tác thành công nhất. Ngoài ra, ông Năm Mến còn có thể làm được hầu hết các loại trống khác, như trống cái, trồng chầu, trống cơm, trống chiến, trống lệnh, trống sấm... Không chỉ nổi tiếng trong nước, "thương hiệu" trống Năm Mến còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài và sản phẩm từ bàn tay tài hoa của ông Mến cũng là món đồ được bà con kiều bào ưa chuộng.

Những năm gần đây, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian ngày càng được mở rộng cả về số lượng lẫn quy mô. Theo đó, nhu cầu trống cũng ngày càng tăng. Nhiều cơ sở sản xuất ở làng trống Bình An từ ổn định việc làm đã vươn lên khá giả. Như gia đình anh Ba Khía, không có tấc đất cắm dùi, nhờ nghề làm trống mà xây được nhà kiên cố, nuôi bốn con học lên đại học; gia đình các ông Năm Mến, Nguyễn Văn Lương, Hai Phú... cũng giàu lên nhờ trống.

Lập đông 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Âm vang tiếng trống Bình An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO