Du lịch

Lăng Ông Bà Chiểu - Nơi “cầu bình an - thấy bình an”

An Phương An 03/08/2024 - 14:59

Thú thật, là công dân Sài Gòn - TP.HCM ngót nửa thế kỷ mà vừa rồi tôi mới hòa vào dòng du khách đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu Lăng Ông Bà Chiểu. Cảm nhận đầu tiên của tôi đây là một khu lăng - công viên vì Lăng tọa lạc trên gò đất cao hình lưng rùa 18.500m2, rợp bóng cổ thụ.

Lăng mang đậm nét kiến trúc cổ kính, độc đáo thời nhà Nguyễn với kiểu mái trùng thiềm điệp ốc, gồm nhà bia, mộ và miếu thờ giữa không gian yên bình dưới những hàng cây rợp mát.

Cổng tam quan vào Lăng có ba chữ Hán Thượng công miếu, không có tên người được thờ vì kỵ húy, nhưng ai cũng biết đây là nơi thờ tự một quan cụ Lê Văn Duyệt (1764-1832) - vị tướng Tổng trấn thành Gia Định. Nhưng tại sao người ta không gọi đúng tên Thượng công miếu mà gọi là Lăng Ông Bà Chiểu? Bởi Lăng nằm cạnh chợ Bà Chiểu, lâu dần người dân đã ghép hai từ Lăng Ông và chợ Bà Chiểu thành “Lăng Ông Bà Chiểu” cho “dễ nhớ”.

c4a19e4a7f0cda52831d.jpg
Cổng chính Thượng công miếu
9f0e3486d5c0709e29d1.jpg
Một phần trong quần thể linh miếu

Lăng mộ Ông Bà Chiểu xây dựng xong 1848, gồm một miếu thờ trên mảnh đất có mộ cụ Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận, không bề thế như sau này. Năm 1914, Hội Thượng công quý tế được thành lập nên đã quyên góp được khá nhiều tiền để trùng tu, mở rộng Lăng, đồng thời hằng năm tổ chức cúng tế long trọng.

Ngày 6/12/1989, Bộ Văn hóa công nhận Thượng công miếu là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Về Tả quân Lê Văn Duyệt - một nhân vật lịch sử có những đánh giá công tội khác nhau bởi các nhà chính trị và nghiên cứu lịch sử, nhưng ông có công rất lớn đối với nhà Nguyễn khi phục vụ cả hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, có công lớn trong việc mở mang và giữ gìn bờ cõi, nhất là giai đoạn làm Tổng trấn thành Phiên An (còn gọi là thành Gia Định), nên xứng đáng được nhân dân tôn vinh.

Lịch sử Thượng công miếu cũng lắm thăng trầm. Dưới thời vua Minh Mạng, từ năm 1833-1835, Lê Văn Khôi - con nuôi của cụ Lê Văn Duyệt nổi dậy chống lại triều đình. Nguyên do là vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt vốn có hiềm khích và tư thù. Minh Mạng tuy ghét nhưng không dám làm gì cụ Lê Văn Duyệt vì công lao và uy quyền quá lớn của ông với triều đình. Năm 1832, ngay sau khi cụ Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng giành lại quyền lực ở thành Gia Định bằng cách bãi bỏ chế độ tổng trấn, đổi thành tỉnh trực thuộc triều đình Huế, cử quan lại vào thay.

Theo sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, vốn là người tham lam, tàn ác, nên khi được vua Minh Mạng cử đến làm bố chính Gia Định, Bạch Xuân Nguyên phụng mật chỉ dựng nên một bản án chống lại Lê Văn Duyệt, buộc Lê Văn Duyệt nhiều tội, trong đó có tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực, nhưng vì Lê Văn Duyệt đã mất nên vua Minh Mạng cho người đánh mộ ông 100 roi và bắt giết nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt; bọn quan lại mới lại ức hiếp dân lành 6 tỉnh miền Tây Nam bộ với sưu cao thuế nặng và phục dịch.

Những hành động ấy đã thúc đẩy thuộc hạ của Lê Văn Duyệt, trong đó có con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đang giữ chức Tả quân minh nghĩa vệ úy chỉ huy, đêm 18/5 năm Quý Tỵ (1833) dấy binh giết Bạch Xuân Nguyên và một số quan lại tàn ác, rồi cuộc nổi dậy không chỉ ở thành Phiên An mà còn lan ra lục tỉnh. Dù Lê Văn Khôi đã chết (nghi bị đầu độc), nhưng nhờ thành cao hào sâu, quân nổi dậy vẫn giữ được thành cho tới tháng 7 năm Ất Tỵ (1835) mới thất thủ trước hàng vạn quân triều đình. Lê Văn Duyệt bị buộc tội “che chở quân phỉ đảng để gây nên bọn loạn”, dù ông đã mất trước cuộc dấy binh một năm. Vua Minh Mạng ra lệnh cho người truy đoạt quan tước, san bằng mộ, dựng trụ đá khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (Chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu phép nước). Đến đời vua Thiệu Trị (năm 1841), ông được giải oan, trụ đá bị dẹp bỏ, mộ ông bà được đắp cao và rộng hơn, rồi khu miếu thờ được xây dựng bề thế, được trùng tu nhiều lần, trở thành một địa chỉ “cầu bình an - thấy bình an”.

16e4f37a123cb762ee2d.jpg
Chánh điện
6f47c3d1229787c9de86.jpg
Mở đầu Lễ Khai hạ - Cầu an
9964c1422004855adc15.jpg
Khu “xin chữ” trong Lăng

Như trên đã nói, Lăng Ông Bà Chiểu có nhà bia, mộ và miếu thờ, trong đó khu miếu thờ là nơi thờ cúng tướng Lê Văn Duyệt, gọi là Thượng công linh miếu, có kiến trúc độc đáo, gồm tiền điện, trung điện và chính điện làm bằng gỗ quý, nổi bật giữa khuôn viên khu lăng mộ với màu đỏ rực rỡ và mái ngói cong, với những hình tượng được chạm khắc tỉ mỉ trên từng khối gỗ và nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo. Mỗi gian điện thờ cách nhau một giếng trời. Khu vực chính điện có một góc dựng lại cảnh sống đời thường của Tả quân để thực hiện nghi lễ cúng bái.

Tại Lăng Ông, khách thập phương có thể xin xăm (còn gọi là xin xâm) tại nhà hương, trung điện hoặc tây điện. Tuy nhiên vẫn có nhiều thiện tín cố lên chánh điện để càng gần thần linh càng có nhiều hi vọng được thần linh cảm ứng vào lá xăm. Xin xăm là một trò chơi may rủi, nhưng với nhiều người, xin xăm là thỉnh thần ý. Vì thế mà đã thu hút đông đảo khách thập phương, nhất là vào ngày rằm tháng giêng tới lễ bái và xin xăm để thỉnh thần ý, nhưng quy định của Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt là chỉ xin Tả quân về sức khỏe, nên còn gọi là xin “xăm thuốc”.

Hằng năm tại Thượng công miếu diễn ra hai lễ hội là lễ giỗ Lê Văn Duyệt và Lễ Khai hạ - Cầu an.

Khi Lê Văn Duyệt mất, dân gian xem ông như một vị thần nên lễ giỗ (vào ngày 30/7 và mùng 1-2/8 âm lịch) được cử hành theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn và việc thờ cúng, tế lễ ông mang nghi thức thờ thần, tế thần.

Lễ Khai hạ - Cầu an đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức vào mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm, chia thành phần hạ nêu, khai hạ, khai bút, khai ấn.

Đến Lăng vào hai lễ hội này, du khách sẽ được cầu may mắn, cầu phước, cầu bình an và sức khoẻ cho bản thân và gia đình, nhất là cầu tình duyên đôi lứa. Đây là một tín ngưỡng, thói quen của nhiều người Sài Gòn - TP.HCM xưa nay.

Lăng Ông Bà Chiểu là công trình cổ nhất TP.HCM với các lễ hội độc đáo để du khách tìm hiểu về lịch sử cũng như khám phá những nét kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

TP.HCM có đến 15 địa điểm văn hóa - lịch sử - kiến trúc nổi tiếng không kém Lăng Ông Bà Chiểu, có dịp Doanh Nhân Sài Gòn sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lăng Ông Bà Chiểu - Nơi “cầu bình an - thấy bình an”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO