Đến Thiềng Liềng: Trải nghiệm chút “mặn mòi” nơi ấp đảo
Ở đô thị phồn hoa như TP.HCM lại có một ấp đảo, nơi có ngọn núi duy nhất của TP.HCM. Thiềng Liềng cách trung tâm xã Thạnh An, huyện Cần Giờ 7km, là một trong những điểm du lịch cộng đồng mới mẻ.
Người dân Thiềng Liềng sống bằng nghề làm muối từ đầu những năm 1970. Tương truyền, trên đường sông nước tìm chốn “neo đậu” ông Nguyễn Thanh đã phát hiện một dải đất hoang vu, lưu lại sinh sống bằng cách làm muối, đặt tên là Thiềng Liềng. Cho đến nay, ấp đảo nhỏ này có 243 hộ dân, khoảng 1000 dân, đa phần theo nghề làm muối.
Người Thiềng Liềng tự hào hạt muối do mình làm ra có màu trắng tự nhiên, độ mặn dịu, hậu ngọt đặc trưng. Năm 2023, đồng muối tại Thiềng Liềng gần 400ha với sản lượng 20.000 tấn/năm, bán khắp các vùng, đặc biệt là nguyên liệu làm nên đặc sản muối tôm Tây Ninh trứ danh.
Muốn chiêm ngưỡng những cánh đồng muối tại Thiềng Liềng, du khách nên đi trước tháng 5 hằng năm. Sau đó là thời điểm TP.HCM bước vào mùa mưa, khi những ruộng muối mênh mông nằm ven sông Lòng Tàu “nghỉ ngơi” chờ mùa vụ . Diêm dân cũng tạm gác lại chiếc xa quạt, xe rùa để chuyển sang đánh bắt thuỷ hải sản mưu sinh.
Từ năm 2022 trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng được Sở Du lịch TP.HCM triển khai, nhiều hộ ở Thiềng Liềng trở nên khấm khá. Giờ đây, đến Thiềng Liềng, du khách có thể đi quanh năm, chẳng vướng bận mùa nào. Anh Chín Thơ - một người dân địa phương làm du lịch cộng đồng được vài năm theo đề án của địa phương, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách bởi dáng người dong dỏng cao, nắng gió nhuộm màu da sạm nhưng nụ cười chẳng bao giờ tắt khi mời chào du khách vào tham quan “bảo tàng muối” của gia đình. Tại đây, Chín Thơ giải thích quy trình để cho ra hạt muối mặn mòi, từ đắp bờ, bơm nước biển, rải muối giống, cào muối thu hoạch. Qua đó, du khách mới thấu tỏa giá trị “một nắng đôi sương”, “cõng nắng” trên cánh đồng trắng của người dân khi làm ra những hạt muối trắng ngần. Những người sống đời diêm nghiệp như Chín Thơ tại Thiềng Liềng luôn lạc quan, chan hòa nghĩa tình với chuyện muối trắng ban ngày và đờn ca tài tử khi màn đêm xuống.
Với 24 hộ dân Thiềng Liềng tham gia làm du lịch cộng đồng, chẳng nhà nào “giành khách” với nhà nào. Nhà Sáu Trúng có cây sâm sâm nên làm món thạch sâm sâm, nhà Hai Loan khéo tay thì làm món bánh dân gian, hộ Năm Đổi nấu ăn ngon thì làm cơm cho khách…
Ở Thiềng Liềng không thể đặt phòng nghỉ hay dịch vụ ăn uống qua ứng dụng, cũng chẳng phải nơi mà du khách muốn gì là có ngay. “Ở Thiềng Liềng, cái gì cũng có, nhưng phải đặt trước”. Đó là lời của chị Năm Tuyết - Chủ tịch Hợp tác xã Du lịch Thiềng Liềng khi trò chuyện với chúng tôi. Bởi do đặc thù của ấp đảo, muốn mua bán gì, gần nhất cũng phải ra đến xã Thạnh An bằng một chuyến đò chạy một lần duy nhất trong ngày.
Du khách đến Thiềng Liềng không chỉ để tham quan, trải nghiệm văn hoá địa phương mà còn được thưởng thức ẩm thực “nhà nào thức đó” vô cùng dân giã, như món sâm sâm giải nhiệt, bánh nếp mặn, kem dừa thơm thơm với hậu mặn, nước chanh muối… Phải chăng, chính cái “mặn mòi” này lại gây thương nhớ, muốn quên cũng chẳng đành!
Biển không chỉ cho muối, thật vậy! Biển còn cho người dân nơi ấp đảo này nguồn sinh nhai từ con tôm, con cá. Khách du lịch đến Thiềng Liềng thường thích ăn mấy món đặc sản như hàu nướng, mực hấp lá me, cá chẽm chiên xù.... Hải sản Thiềng Liềng chế biến đơn giản, ấy vậy mà ăn rất ngon bởi độ tươi sống. Thưởng thức món ngon trong căn nhà lợp ngói cạnh những cánh đồng muối, nghe tâm tình chuyện thường nhật, cứ vậy, sự nồng hậu và ấm áp được người dân trao gửi từ khi du khách đặt chân lên đảo đến khi rời đi... vẫn còn lưu luyến.
Thiềng Liềng vẫn còn nét hoang sơ. Có những người sống cả đời với TP.HCM đô hội nhưng vẫn “ngơ ngác” khi nghe nhắc tới địa danh Thiềng Liềng.
Thiềng Liềng là một điểm đến không thể bỏ lỡ trong danh sách những đường tour nổi bật trên sông nước tại TP.HCM. Khách ghé nơi đây có thể tham quan núi Giồng Chùa. Tương truyền trên núi có vết đá lõm sâu là do dấu chân của vị chúa nào đấy đã qua đây, do đó tên gọi “núi Chùa”, nhưng có thể là từ biến âm của từ “núi Chúa”. Núi Chúa là một giồng đá cao 10m, là ngọn núi duy nhất ở TP.HCM. Khách cũng có thể ghé miếu Ngũ Hành hay đắm mình vào khu rừng sác mướt xanh và đừng quên vào nhà muối để gặp những người như anh Chín Thơ, chị Năm Tuyết.. trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng tại vùng “muối mặn” nặng nghĩa tình…