Ai giám sát "sân sau"?

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hải Vân ghi)| 28/08/2013 06:01

Cho vay "sân sau", được gọi là cho vay người có liên quan, một khái niệm có tính luật pháp, có chế tài thực sự.

Ai giám sát

Cho vay "sân sau", được gọi là cho vay người có liên quan, một khái niệm có tính luật pháp, có chế tài thực sự.

Đọc E-paper

Luật Ngân hàng quy định rất chặt chẽ về cho vay người có liên quan, chuyện vi phạm là do giám sát yếu. Trên thực tế, tiền "sân sau" hay "sân trước" đều là của nền kinh tế. Vấn đề quan trọng ở chỗ tín dụng đen đang là một trong những biện pháp tiêu cực để bù đắp thiếu hụt tín dụng chính thức.

Tín dụng chính thức thiếu hụt chủ yếu là do những người có nhu cầu không đủ điều kiện để vay chính thức hoặc không thể được do kinh doanh nhỏ, không có hạch toán, kế toán rõ ràng... Vì vậy, phải đẩy kinh tế phục hồi bằng tín dụng chính thức, siết chặt giám sát, kiểm soát, mới hạn chế được tín dụng đen.

Các vụ đổ bể tín dụng đen đều liên quan đến tín dụng chính thức. Người ta lợi dụng tín dụng chính thức để cho vay sân sau, như vậy mới tạo ra mức lợi nhuận cao hơn.

Những khoản vay lớn từ tín dụng chính thức được chuyển thành tín dụng đen, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Vietinbank TP.HCM và một vài vụ khác, là thủ pháp huy động vốn và đầu tư của họ.

Nhưng không phải ai cũng làm được như thế, chỉ người trong hệ thống ngân hàng (NH), đặc biệt là những người có liên quan mật thiết đến tín dụng chính thức mới có thể làm được. Điều đấy cho thấy, tín dụng chính thức cũng chưa được giám sát một cách kỹ lưỡng, nhất là với các ngân hàng thương mại (NHTM).

Đến nay, khoảng trống lớn nhất là chưa có cơ quan nào giám sát thị trường tín dụng chợ đen hoặc hoạt động tiền tệ ngoài luồng, kể cả trong lĩnh vực vàng, đồng ngoại tệ.

Do đó, cần có một cơ quan giám sát khác không thuộc NH Nhà nước (NHNN), bởi NHNN chỉ giám sát các NH, các định chế tài chính phi ngân hàng, còn đây là các tổ chức có tính chất ngầm, có thể phải là cơ quan bảo hiểm tiền gửi, cơ quan giám sát tài chính, thậm chí là cảnh sát kinh tế.

Hiện nay, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội, của doanh nghiệp là địa chỉ sử dụng vốn tín dụng. Hầu hết vốn tín dụng đều dựa trên mối quan hệ cá nhân của ông chủ NH chứ không dựa trên nhu cầu về vốn của nền kinh tế.

Chuyện ông chủ NH quyết định tín dụng không sai, cái sai là ông chủ quyết định không đúng với luật pháp. Về nguyên tắc, các NHTM hoạt động theo hệ thống luật lệ nghiêm ngặt.

Các ông chủ phải quyết định dựa trên các quy định của luật pháp, được cụ thể hóa bằng các quy định của chính NH đó, không phải muốn làm gì thì làm.

Theo Luật Ngân hàng, một cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 5% cổ phần của một NH. Với tỷ lệ sở hữu đó, không ông chủ nào có quyền quyết định mọi vấn đề của NH. Trừ khi ông chủ đó, bằng cách nào đó sở hữu một khối lượng cổ phần rất lớn, ví dụ trên 50%, đủ khả năng khống chế NH, mới có thể quyết định tín dụng theo ý mình.

Nhưng phải lưu ý, đấy là hành vi phạm pháp, lợi dụng vị thế thống lĩnh của cá nhân và luật cũng quy định rất rõ ràng về cho vay đối với những người có liên quan.

Trên thực tế, nước ta không thiếu luật, nhưng nhiều bộ luật không được tổ chức giám sát chặt chẽ, cộng với việc giám sát quyền sở hữu của các cổ đông, nguồn tiền họ có để đóng góp vào NH với tư cách là cổ phần, cũng đang là khoảng trống khá lớn.

Một vấn đề nữa cũng liên quan đến giám sát là chuyện hầu hết các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước lớn đều sở hữu NHTM và các NH này lại cho chính DNNN là chủ sở hữu vay lại vốn. Thực tế, có một vài tập đoàn quốc doanh có cổ phần lớn ở các NH nhưng tối đa không vượt quá 20%.

Nhìn vào báo cáo giám sát của NHNN, khu vực quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước, NH thương mại quốc doanh thực hiện khá nghiêm túc về cho vay đối với người có liên quan. Họ chỉ được phép vay quá 25% vốn của các NHTM khi có ý kiến của Thủ tướng.

Nhưng khu vực NHTM cổ phần thực sự có nhiều vấn đề. Về danh chính ngôn thuận, các NH này chỉ sở hữu 5% trở xuống, nhưng nhóm của họ lại sở hữu khá lớn, tạo ra quyền lực sở hữu khá mạnh ngoài quốc doanh, nên có thể có những cổ đông lớn có quyền chi phối thực sự. Nếu giám sát chặt, họ không thể làm được như vậy.

Vấn đề mấu chốt vẫn ở khâu giám sát. Giám sát là cơ quan tương đối độc lập, do hội đồng cổ đông bầu cử, đặt ra ngoài hội đồng quản trị. Hiện nay, hệ thống NH có song song hai tầng giám sát.

Thứ nhất, mỗi một NHTM đều có cơ quan giám sát, quản lý rủi ro tín dụng và kiểm toán nội bộ. Thứ hai, giám sát của NHNN. Nếu thực hiện đúng luật và giám sát một cách hữu hiệu thì chuyện đó khó có thể xảy ra được, nhưng ở Việt Nam, bi kịch là không làm đúng chức trách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai giám sát "sân sau"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO