2 thách thức lớn của công nghiệp hóa

HOÀNG ANH thực hiện| 01/09/2016 06:13

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng mục tiêu công nghiệp hóa của nước ta đang đứng trước 2 thách thức lớn.

2 thách thức lớn của công nghiệp hóa

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng mục tiêu công nghiệp hóa của nước ta đang đứng trước 2 thách thức lớn: tự do hóa thương mại và tự động hóa với trí thông minh nhân tạo, đòi hỏi phải có chính sách mới, đưa trình độ của người lao động lên mức cao hơn. 

Đọc E-paper

* Tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay chậm hơn, nhất là ngành công nghiệp. Ông nói gì về điều này?

- Hiện giá dầu thô, giá kim loại cùng đi xuống nên sản phẩm công nghiệp đều lỗ, doanh nghiệp gặp khó khăn. Còn những sản phẩm công nghiệp nặng thì Việt Nam chưa làm được gì.

Chẳng hạn, về luyện kim, ta không cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc. Công suất thép của Trung Quốc đã lên tới 1.200 triệu tấn/năm. Về chế tạo máy, chúng ta cũng chưa có sản phẩm nào, thậm chí máy nông nghiệp có bước lùi lớn.

Trước đây ta muốn sản xuất ô tô, nhưng muốn có lãi thì một nhà máy phải có công suất lớn. Thị trường của ta bé mà lại mời tới 18 doanh nghiệp FDI về ô tô thì doanh nghiệp Việt Nam phải "chịu thua" là tất nhiên. Trong khi đó, ở lĩnh vực xe máy, do thị trường lớn nên Honda đã "nội địa hóa" tới 92%. Tôi nghĩ, bài học này cần được xem xét.

Một điểm đáng lưu ý nữa, nước ta đang rơi vào bẫy tự do hóa thương mại. Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc, thuế suất ô tô nguyên chiếc bằng 0%, còn thuế suất nhập linh kiện để lắp ráp là 28%. Như vậy, doanh nghiệp lắp ráp trở nên rất khó khăn. Tới đây, nếu TPP được thực thi, ngay cả Toyota cũng do dự bởi thuế suất nhập khẩu ô tô của Nhật Bản vào Việt Nam cũng bằng 0%.

* Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi đầu năm nay đã công bố một báo cáo phân tích về ảnh hưởng của công nghệ đến việc làm và cho rằng thế giới đang ở giai đoạn cao nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với tự động hóa bằng người máy với trí thông minh nhân tạo. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Công nghệ tự động hóa bằng người máy đang ngày càng rẻ hơn, hiệu quả hơn và có khả năng hợp tác với con người cao hơn. Ngành dệt may ở nước ta lâu nay vẫn được xem là lợi thế nhưng tới đây sẽ bị thách thức rất lớn. Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 7/7 vừa qua đã cảnh báo máy móc tự động sẽ khiến 86% công nhân ngành dệt may và giày dép Việt Nam có nguy cơ mất việc.

Tôi đã chứng kiến một hệ thống dây chuyền tự động, sản xuất từ đầu đến cuối bằng người máy và năng suất lao động bằng 500% năng suất lao động hiện nay. Một hợp đồng 20 triệu áo sơ mi, người máy làm nhanh hơn, vẽ 3D (3 chiều) cũng tốt hơn con người.

Người máy làm 24 giờ đồng hồ một ngày nên chỉ sau 18 tháng đầu tư dây chuyền là doanh nghiệp đã có lãi. Như vậy, muốn cạnh tranh được, ngành dệt may nước ta không có cách nào khác là phải sớm chuyển sang phân khúc cao cấp, tức là làm những việc người máy không làm được.

Sự phát triển hiện nay của một số ngành công nghiệp có sự tham dự của những lĩnh vực chưa có trước đây, như trí tuệ nhân tạo và máy tự học, người máy, công nghệ nano, in 3D, công nghệ gene và công nghệ sinh trắc học.

Tại Olympic 2016 vừa diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil, tờ Washington Post của Mỹ đã sử dụng robot để đưa tin. Robot chuyển dữ liệu thành các bài viết ngắn và phát trên các kênh đưa tin trực tiếp về sự kiện. Tới đây, 48% công việc của luật sư trẻ ở Mỹ sẽ bị mất bởi robot. Hay 50% công việc của các nhà kinh tế cũng sẽ rơi vào tay robot.

* Vậy khái niệm công nghiệp nặng còn phù hợp không, thưa ông?

- Khái niệm này còn có một sự phù hợp nhất định nhưng nội hàm đã khác rất nhiều. Bởi vì công nghiệp nặng trước đây tính theo quy mô nhưng bây giờ được thay thế bằng người máy, với những thiết bị điện tử nhỏ và nhẹ.

Nước ta chủ trương công nghiệp hóa nhưng lại mở cửa cho doanh nghiệp FDI về công nghiệp, nên doanh nghiệp trong nước không làm ăn được. Ta đã để lỡ cơ hội nên bây giờ phải đặt lại vấn đề, phải công nghiệp hóa bằng những bước đi thích hợp với bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt.

Cái Việt Nam có thể làm được là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản, làm những cái mình có lợi thế và dần phát triển lên. Bên cạnh đó, phải cố gắng để vượt qua được bẫy tự do hóa thương mại.

* Cám ơn ông!

>Tự động hóa: Cuộc thôn tính thầm lặng

>Trí tuệ nhân tạo - cuộc đua tỷ đô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 thách thức lớn của công nghiệp hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO