Đôi khi gặp những cuộc đời rất phi thường, tôi tự hỏi sức mạnh nào đã giúp họ làm được như thế, sống được như thế? Bỏ ra nhiều tác động ngoại cảnh, tôi nhận ra bước tiến đầu tiên và điểm tựa sau cùng của các số phận mãnh liệt đều từ niềm tin. Không giống kẻ cầu may chỉ mờ mịt trông chờ phép lạ xuất hiện tình cờ, người có niềm tin luôn thấy nền tảng hiện tại và vẻ đẹp tương lai. Nếu ai đó thắc mắc, niềm tin có hình dạng như thế nào và niềm tin từ đâu đến, thì tôi chịu thua. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, tùy vào tâm trạng của mỗi người, niềm tin sẽ hiện ra theo từng kiểu màu sắc và biểu tượng khác nhau. Khi chúng ta nhìn thấy một ngư phủ buông neo trên sóng nước, chắc chắn ông ấy không thể đoán định bao giờ đàn cá đến, mà công việc của ông ấy vẫn được duy trì một cách hứng khởi vì ông ấy có niềm tin vào mảnh lưới, có niềm tin vào lao động của chính mình.
Không có niềm tin, con người sẽ ra sao nhỉ? Thì vẫn sống, nhưng sống dần, sống mòn, sống tẻ nhạt, sống lặng thinh. Và nói đúng hơn, nếu không có niềm tin, con người chỉ còn như một thực thể kéo dài sự tồn tại trong nhàm chán và vô vị. Niềm tin không thay thế lương thực được, niềm tin cũng không sờ mó được và niềm tin chẳng thể nào mang biếu tặng nhau như một món quà phổ thông hoặc như một trang sức hàng hiệu. Thế nhưng, niềm tin có khả năng cộng hưởng và chia sẻ.
Những người nông dân cùng có niềm tin ở đất đai canh tác, thì họ cùng gặt hái những vụ mùa bội thu. Những nhà nghiên cứu cùng có niềm tin vào tri thức, thì họ khai sáng những chân trời khoa học. Niềm tin không thể cân đong và cũng không thể mua bán, mà niềm tin có thể giúp chúng ta thấy ngày hôm nay đã tốt đẹp hơn ngày hôm qua và ngày mai còn đáng hy vọng hơn nữa. Người có niềm tin bao giờ cũng biết cách thắp lên một que diêm ngay trong cõi âm u mà những kẻ không có niềm tin vẫn đang nguyền rủa bóng tối, như cách nói quen thuộc ở những ai luôn tìm cách động viên và nâng đỡ nhau.
Tôi không phải mẫu người đặt quá nhiều tâm tư vào những giáo điều hoa mỹ hay những lý thuyết khuôn sáo. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, con người phải tin vào một thứ gì đó để sống, để yêu, để hờn, để giận. Bởi lẽ, mỗi ngày trôi qua bên ô cửa thường bỏ lại một vệt nắng nuối tiếc, mà màn đêm luôn đặt ra những dày vò nghiệt ngã cho bất cứ ai chưa tìm ra nguyên cớ gì để chào đón bình minh sắp tới. Những hoàng hôn lặp lại dễ khiến chúng ta hoảng hốt, do vậy ai cũng cần niềm tin để chống đỡ những bất trắc khó lường. Không hề mang bóng dáng của tín ngưỡng, niềm tin chỉ thực sự được khơi dậy và được bồi đắp trong chính mỗi người khi ý thức đầy đủ giá trị bản thân. Và mỗi niềm tin nhất định rộn ràng song hành với một mục đích cụ thể. Người nghèo khó có niềm tin về sự no ấm, người lẻ loi có niềm tin về sự sum vầy, người chia biệt có niềm tin về sự trùng phùng.
Thông thường, bối cảnh càng thử thách thì niềm tin càng hiện diện rực rỡ. Thế nhưng, tôi dám chắc niềm tin không phải lúc nào cũng được sinh ra từ đổ vỡ, thiệt thòi hoặc mất mát. Khi một niềm tin bắt đầu nhen lên ngọn lửa ấm trong trái tim, thì chúng ta cảm nhận được cường độ mạnh mẽ của niềm tin ấy, để phân định đâu là niềm tin bằng cảm xúc và đâu là niềm tin bằng trí tuệ. Chính hai loại niềm tin tưởng chừng rất khó rạch ròi kia đã tạo ra những tính cách khác nhau, những đẳng cấp khác nhau và những kỳ tích khác nhau trong xã hội. Có những con người ruổi rong suốt cuộc đời với những niềm tin bằng cảm xúc và có những con người thong dong suốt cuộc đời nhờ những niềm tin bằng trí tuệ.
Niềm tin bằng cảm xúc thường đến rất nhanh và tan biến cũng rất nhanh. Niềm tin bằng cảm xúc được chi phối bởi những yếu tố bên ngoài chúng ta. Ví dụ, niềm tin vào kết quả chiến thắng của một trận cầu, như niềm tin vào lợi ích mỹ mãn của một thương vụ, hầu hết đều ngắn hạn. Ngược lại, niềm tin dài hạn hơn là niềm tin bằng trí tuệ giúp chúng ta không ỷ lại vào người khác, không trông cậy vào duyên hờ, không mong ngóng vào thần thánh. Cho nên, người nào ngây thơ hình dung rằng, đến lúc tuyệt vọng hoặc đến lúc vận hên sẽ tự nhiên có niềm tin thì chắc chắn người đó mãi mãi không có niềm tin. Vì niềm tin bằng trí tuệ được xác lập trên sự trầm tĩnh tự vấn và sự thấu hiểu sâu sắc. Đơn giản hơn, niềm tin bằng trí tuệ là niềm tin vào chính mình. Những người có niềm tin vào chính mình hoàn toàn rành mạch bản thân đang làm gì, bản thân đang muốn gì, mọi người xung quanh đang vui buồn ra sao, thời đại đang chuyển động thế nào... và tất nhiên họ không dễ bị xao xác, không dễ bị chao đảo, không dễ bị ngã quỵ mặc cho giông bão bất chợt nổi lên.
Trong kho tàng ca dao của người Việt, niềm tin là một đề tài được đề cập kỹ lưỡng, chứng tỏ cha ông chúng ta cũng muốn con cháu có được cẩm nang sống vững vàng. Hai câu “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây” có thể xem như một quan niệm đáng giá ngàn vàng để đối mặt với mọi trở ngại. Và hiện nay, thỉnh thoảng tôi nghe nơi nọ nơi kia đã có lời ra tiếng vào lo lắng giới trẻ không có niềm tin. Chưa hẳn vậy, niềm tin mỗi giai đoạn mỗi khác. Cái đáng băn khoăn là làm sao người Việt ở thế kỷ XXI có nhiều niềm tin dài hạn hơn niềm tin ngắn hạn. Ngay cả trong tình yêu, cũng phải chọn niềm tin bằng trí tuệ. Muốn hun đúc một tình yêu son sắc, thì một ánh mắt, một mái tóc, một dáng đi, một kiểu áo, một căn nhà hoặc một câu thề thốt lâm ly, một lời hứa hẹn mạnh mẽ, một số dư tài khoản ngân hàng cũng không có gì đảm bảo. Phẩm chất của người yêu mới đáng nâng niu, mới thành niềm tin “đường dài ngựa chạy biệt tăm, người thương có nghĩa trăm năm cũng về”
Niềm tin thiên hình vạn trạng. Có niềm tin “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” để thoát khỏi những ngày đói khổ trước mắt, thì cũng có niềm tin “ra sông lấy sóng mà yêu, đi đường gặp núi lấy đèo mà tin” để chuẩn bị cho những cuộc chinh phục xa xôi. Và những niềm tin hướng thiện nhất, bền bỉ nhất luôn giống như báu vật cho hành trang mỗi người!