Năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế thì hơn 20 cuộc thi hoa hậu đã nối nhau tổ chức khá tưng bừng. Thậm chí, có ngày người Việt Nam phải chứng kiến đến hai hoa hậu lên ngôi, như đêm 22/10/2022 đã trao vương miện cho Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam.
Vì vậy, đã có nhiều điều dở khóc dở cười xung quanh các cuộc thi hoa hậu. Do việc cấp giấy phép các cuộc thi hoa hậu đã giao cho địa phương, nên những nhà tổ chức càng tỏ ra khôn khéo hơn. Không thể diễu võ giương oai ở đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì họ gom thí sinh về các tỉnh và vẫn treo bảng "quốc tế” khá hoành tráng. Có không ít cuộc thi hoa hậu mà người đội vương miện chính là nhà tài trợ. Và oái oăm hơn, ban giám khảo cũng không cần trình độ hay chuyên môn gì. Ai bỏ tiền ra ủng hộ nhiều hay ít thì sẽ được làm trưởng ban giám khảo hay phó ban giám khảo. Hậu quả là những tin đồn thổi về việc mua bán danh hiệu cứ nở rộ như nấm sau mưa.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên |
Một trong những gương mặt thường xuyên được mời chấm thi hoa hậu nhất là cựu hoa hậu Hà Kiều Anh. Đăng quang Hoa hậu Việt Nam 1992 lúc mới 16 tuổi, Hà Kiều Anh là người trẻ nhất được đội vương miện Hoa hậu Việt Nam. Hiện tại, hoa hậu Hà Kiều Anh là bà chủ của hệ thống khách sạn sang trọng tại Vũng Tàu.
Sự có mặt của hoa hậu Hà Kiều Anh trong ban giám khảo giúp công chúng xác tín câu cửa miệng "hồng nhan bạc tỷ” vẫn còn nguyên giá trị. Hoa hậu Hà Kiều Anh trình bày suy tư của một giám khảo hoa hậu: "Tiêu chí chung của một cuộc thi hoa hậu vẫn là chọn ra một người có tài đức vẹn toàn, nhan sắc phải đi đôi với trí tuệ. Nhưng sự đánh giá về sắc đẹp thì lại thay đổi theo thời gian. Ví dụ ngày xưa người ta có thể chọn một cô gái không cần chiều cao, thấp thấp cũng được nhưng phải cân đối và đẹp. Nhưng bây giờ tôi nghĩ chúng ta lại chọn một hoa hậu có chiều cao để có thể tham dự các cuộc thi quốc tế, để mình cảm thấy không bị thua kém. Nhưng đó không phải là cái quan trọng nhất. Bây giờ các bạn được chuẩn bị rất chu đáo để trước khi tham gia cuộc thi và các bạn cũng phải trải qua rất nhiều vòng thi gắt gao để đạt được danh hiệu cao quý này. Cho nên một người để thành hoa hậu thì không đơn giản chút nào. Tôi nghĩ một hoa hậu, ngoài tiêu chí sắc đẹp ra thì cuộc thi vẫn chọn người có tấm lòng nhân ái. Bởi vì một người phụ nữ mà không có lòng nhân ái, không có một trái tim biết cảm thông thì rất khó để đảm đương nổi nhiệm vụ của danh hiệu cao quý này".
Hoa hậu Đoàn Thiên Ân |
Trước đây, ban giám khảo hoa hậu đều là những nhân vật nổi tiếng. Bây giờ, hình như mọi thứ đã khác. Có những giám khảo hoa hậu khi được xướng tên thì đám đông theo dõi cuộc thi mắt tròn mắt dẹt ngó nhau mà không biết người ấy là ai nữa. Giám khảo nào thì dĩ nhiên sẽ có kết quả mang chất lượng tương đương. Và có nhiều thứ lại nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng như khả năng tiên liệu của những người chấm thi. Lúc đăng quang, khuôn mặt của hoa hậu và số đo của hoa hậu mang tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng chỉ cần họ rời đêm chung kết không bao lâu thì dung mạo của họ như mở cuộc đua với các siêu mẫu Hàn Quốc. Tuy chưa đến độ "đập mặt xây lại", nhưng sự chỉnh sửa thì không thể che giấu, răng cũng sửa, môi cũng sửa, mắt cũng sửa, mũi cũng sửa, cằm cũng sửa...
Nếu hoa hậu không đủ tự tin vào nhan sắc của mình, thì không lẽ ban giám khảo đã có phút giây nhầm lẫn khi chọn lựa chăng? Hoa hậu Hà Kiều Anh cho rằng: "Nếu mà phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành quá xấu thì tôi không ủng hộ, nhưng mà đẹp hơn thì cũng nên. Vì thật ra nếu Hoa hậu Việt Nam lúc đi thi thì hướng đến vẻ đẹp tự nhiên, còn khi các bạn đã đậu, có danh hiệu rồi thì các bạn cũng muốn mình hoàn hảo hơn để làm cho danh hiệu được tỏa sáng hơn. Đó là quyền của tất cả mọi người con gái, không riêng gì hoa hậu mà ai cũng có quyền mơ ước cái đẹp và phấn đấu vì điều đó. Miễn sao để cái đẹp đó đừng bị biến dạng, đi quá đà”.
Nói là nói thế, nhưng khi đã gặp bác sĩ thẩm mỹ thì hoa hậu nào cũng nhiệt tình tân trang dung nhan cá nhân theo chiều hướng hút chỗ cần hút, bơm chỗ cần bơm, gọt chỗ cần gọt... sao cho thật giống hình ảnh được ứng dụng phần mềm "đẹp không tì vết" trên máy tính. Nếu cứ tiếp tục đà này, thì ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu cũng không cần phải hao tốn công sức để tìm người đẹp xuất chúng nhất, vì mỹ nhân đội vương miện sớm muộn gì cũng lộng lẫy bằng công nghệ "dao kéo" hiện đại.
Hoa hậu Bảo Ngọc |
Mặc dù có nhiều cuộc thi nhan sắc có tên gọi mang ý nghĩa rền vang muốn đè bẹp nhau như "Hoa hậu Doanh nhân Tài sắc Thế giới" và "Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Quốc tế”, nhưng những vị giám khảo vẫn an ủi công chúng rằng không nên quá lo lắng vì có nhiều sân chơi hoa hậu, vì các cuộc thi yếu kém sẽ tự đào thải. Chả rõ khi nào thì cơn khát danh hiệu hoa hậu mới nguôi ngoai, nhưng một người có kinh nghiệm trang bị kỹ thuật cho các người đẹp ứng thí và cũng từng làm giám khảo hoa hậu, như Hiệu trưởng Trường Jonh Robert Power - Võ Thị Xuân Trang thì tỏ ra hoài nghi: "Chúng ta nên đặt ra câu hỏi, sau khi là hoa hậu, các người đẹp đã làm được gì cho nhân dân, đất nước? Từ đó nên có quy định những việc làm, hành động cụ thể cho họ trong quá trình đương nhiệm, để họ làm tròn trách nhiệm của mình".
Cũng là một cựu hoa hậu được mời vào vị trí cầm cân nảy mực cho nhiều sân chơi nhan sắc, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh đúc kết: "Danh hiệu hoa hậu mang lại cho những cô gái đạt được danh hiệu quá nhiều thứ tốt đẹp, quá nhiều cơ hội mà không phải cũng có được. Đương nhiên việc công chúng khắt khe với mình cũng là điều dễ hiểu. Họ luôn mong muốn mình phải hoàn hảo, không được mắc lỗi nào hết. Thế nên, sau khi nhận được những ý kiến trái chiều, tôi luôn tiếp nhận và chỉnh sửa sao cho bản thân hoàn thiện hơn".