Di cư từ nông thôn là cơ hội hơn là thách thức?

LÊ NGUYỄN| 06/11/2018 06:29

Tập quán phổ biến của nhiều người là xem sự di trú hay di cư (migration) như một thách thức cho cộng đồng xã hội, với nhiều vấn đề đặt ra phải giải quyết.

Di cư từ nông thôn là cơ hội hơn là thách thức?

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan điểm coi sự di trú là một cơ hội đang có chiều hướng thắng thế. Một báo cáo do Tổ chức Lương – Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) phổ biến vừa đưa ra kết quả khảo sát tình hình di trú nông thôn và thúc giục các nước tăng gia sự đóng góp của họ vào công cuộc phát triển kinh tế và xã hội do sự di trú mang lại.

Trong tuyên bố trước các cơ quan truyền thông, Tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva cho rằng chúng ta không thể bỏ qua những thách thức và cái giá phải trả của sự di trú, song mục tiêu hiện nay là không coi di trú như một nhu cầu mà là một chọn lựa, để tối đa hóa các mặt tích cực và tối thiểu hóa các mặt tiêu cực của nó.

Nhà kinh tế cao cấp của FAO là Andrea Cattaneo cũng là tác giả của bản báo cáo, cho rằng dù chứa đựng những thách thức, sự di trú tiêu biểu cho cốt lõi của phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn.

Link bài viết

Trong thời gian qua, hơn 1 tỷ người sống trong các nước đang phát triển đã trải qua tình trạng di trú nội địa, trong đó 80% xuất phát từ nông thôn. Mặt khác, số người di trú ở các nước đang phát triển nhiều hơn ở các nước phát triển. Gần 85% số người di trú trên thế giới được các nước đang phát triển cưu mang, trong đó ít nhất 1/3 đến từ nông thôn. Riêng ở Malawi, gần 75% các gia đình ở nông thôn di cư trên khắp thế giới.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng di trú, trước tiên phải kể đến những cuộc khủng hoảng về quân sự và chính trị đang ngày càng gia tăng trên thế giới, sau đó là tình trạng thu nhập thấp kém và nạn thất nghiệp tràn lan khiến con người không tìm thấy một đời sống ổn định tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Tại Trung Quốc, sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị đã khiến cho nhiều nông dân rời bỏ nông thôn, tìm đến thành thị. Giữa những năm 1990 và 2015, số cư dân đô thị ở Trung Quốc đã tăng từ 26% lên 56%, trong đó có 200 triệu người đến từ các khu vực nông thôn.

Bên cạnh yếu tố thu nhập và công ăn việc làm tác động lên hiện tượng di trú nông thôn, các nhà nghiên cứu còn kể đến yếu tố khí hậu. Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy cứ 1 độ C tăng lên trong môi trường sẽ kéo thêm 5% số người di trú trên thế giới. Ở Thái Lan và Ghana, sự di trú có liên quan đến những thiếu thốn về hạ tầng cơ sở và khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế.

Bàn về những cơ hội và lợi thế mà sự di trú mang lại cho xã hội, các nhà phân tích cho rằng di trú giữ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những bất bình đẳng xã hội, và điều này cũng đã được dự liệu trong Mục tiêu Phát triển Bền vững số 10. Trong lúc tác động lên sự giảm thiểu bất bình đẳng, người di trú có những đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi kinh tế và phát triển xã hội trên toàn thế giới.

Sự phát triển của Uganda là một ví dụ sinh động: trong những năm qua, nước này đón nhận 1,4 triệu người tỵ nạn đến từ nhiều nơi, trong đó có Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Số người này được hưởng chính sách di trú tiến bộ như tìm được việc làm, có cơ hội thuận lợi khi đến trường học, được chăm sóc sức khỏe. Bù lại, họ có những đóng góp đầy ấn tượng vào sự phát triển chung của xã hội Uganda. Nhà nghiên cứu kinh tế Cattaneo tin tưởng rằng mô hình người di trú và tỵ nạn ở Uganda sẽ góp phần vào công cuộc phát triển chung, trên tầm mức thế giới, trong một tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Di cư từ nông thôn là cơ hội hơn là thách thức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO