Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nâng đề xuất thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên lên 24 giờ mỗi tuần thay vì 20 giờ như dự thảo hồi tháng 3.
Đề xuất được nêu trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất quy định người lao động là học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi, đang theo học các chương trình giáo dục chính quy được làm việc không quá 24 giờ mỗi tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Dự thảo mới nhất cũng đề xuất áp dụng mức sàn tiền công cho nhóm lao động này thay vì để hai bên tự thỏa thuận. Mức lương theo quy định sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ hiện hành, cụ thể: vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.
Để đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng đến học tập, học sinh, sinh viên phải thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Các cơ sở này có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ trong suốt quá trình các em làm thêm.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, đề xuất này được xây dựng dựa trên ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như thông qua đối thoại với sinh viên tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Chính sách này nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh, sinh viên khi đi làm thêm, giúp họ tránh bị thiệt thòi và được pháp luật bảo vệ trong trường hợp xảy ra vấn đề.
"Nhiều người lo ngại, nếu quy định làm thêm 24 giờ mỗi tuần, tức trung bình 4 giờ mỗi ngày, thì thời gian học của các em sẽ bị ảnh hưởng", ông Bình nói, đồng thời nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến và thận trọng điều chỉnh quy định.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, người lao động trong các doanh nghiệp không được làm quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tuần làm việc 40 giờ; việc làm thêm không được vượt quá 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Như vậy, số giờ làm việc của học sinh, sinh viên trong thời gian học chỉ bằng một nửa so với lao động bình thường.
Mặc dù Việt Nam chưa có nghiên cứu quy mô toàn quốc về việc làm thêm của học sinh, sinh viên, các khảo sát cấp trường ước tính 70-80% các em phải đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập. Sinh viên thường làm việc tại quán ăn, cà phê, đóng gói hàng hóa, hoặc phát tờ rơi, với thời gian làm việc trung bình 4-5 giờ mỗi ngày, tương đương 28-35 giờ mỗi tuần, và mức thù lao phổ biến là 17-20 nghìn đồng mỗi giờ.
Những sinh viên dạy kèm các môn như tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên thường nhận mức thù lao cao hơn. Chẳng hạn, sinh viên sư phạm Toán hoặc Tiểu học có thể kiếm được 100-200 nghìn đồng mỗi giờ khi dạy kèm.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2024.