Thời sự

Đề xuất quy định về thải bỏ phương tiện giao thông

Nguyễn An 18/07/2024 - 10:23

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông.

Theo dự thảo, chủ phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ; trừ trường hợp chủ phương tiện giao thông quyết định hoãn trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông theo quy định.

Việc thải bỏ phương tiện giao thông được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết niên hạn sử dụng hoặc từ ngày xác định không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ, cơ quan nhà nước có quyền định đoạt phương tiện giao thông bị tịch thu do vi phạm pháp luật hoặc là tài sản vô chủ đã xác lập quyền chủ sở hữu theo quy định của pháp luật mà hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

Chủ phương tiện giao thông có nhu cầu thải bỏ phương tiện giao thông chưa hết niên hạn sử dụng hoặc bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi thải bỏ thì có trách nhiệm bàn giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

Cũng theo dự thảo, chủ phương tiện giao thông quy định nêu trên không được phép thải bỏ, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân khác không thuộc đối tượng quy định.

345.jpg
Việc thải bỏ phương tiện giao thông được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết niên hạn sử dụng

Việc thải bỏ, chuyển giao cho phương tiện giao thông nêu trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, chủ phương tiện giao thông thải bỏ có thể hoãn trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông nhưng phải thực hiện các yêu cầu sau đây

Thứ nhất, thực hiện thủ tục thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật;

Thứ hai, thông báo bằng văn bản cho cơ quan UBND cấp xã nơi thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông về việc hoãn thải bỏ phương tiện giao thông; trong đó nêu rõ thời gian hoãn và lý do, mục đích của việc giữ lại phương tiện giao thông và cam kết không lưu hành phương tiện giao thông đó.

Thứ ba, chịu trách nhiệm trước pháp luật về phương tiện giao thông đó theo quy định của pháp luật; thực hiện thải bỏ phương tiện giao thông theo quy định tại Quyết định này sau khi hết thời hạn hoãn thực hiện trách nhiệm thải bỏ phương tiện giao thông.

Về cơ sở tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ, dự thảo quy định, cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu do nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông công bố đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

Dự thảo cũng nêu rõ, sau khi tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu do nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông công bố đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tái chế, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.

Cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ có trách nhiệm thực hiện thủ tục thu hồi đăng ký, biển số đối với phương tiện giao thông thải bỏ với cơ quan có thẩm quyền sau khi được chuyển giao thay cho chủ phương tiện giao thông thải bỏ.

Ngoài hồ sơ đề nghị thu hồi đăng ký, biển số theo quy định của pháp luật, cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ còn phải bổ sung hợp đồng, giấy tờ hợp pháp về chuyển giao phương tiện giao thông thải bỏ để được thu hồi đăng ký, biển số.

Theo số liệu của Công an TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; hơn 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn hơn 50 năm. Trong đó, có nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng người dân tận dụng bằng việc mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, sửa chữa lại để sử dụng. Còn tại TP.HCM có hơn 8 triệu xe máy đang lưu hành; trong đó một nửa là xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí được sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Trong quá trình hoạt động, những chiếc xe cũ, ít được bảo dưỡng sẽ thải ra môi trường lượng khí thải độc hại cao gấp nhiều lần các loại xe mới, được bảo dưỡng thường xuyên. Chính vì vậy, việc kiểm soát, giảm thiểu lượng phương tiện cũ nát này là cấp thiết và thực tế.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 50/2013 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ mà theo đó thời điểm thu hồi và xử lý xe mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại được thải bỏ từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể hay có cơ quan nào kiểm định chất lượng mô tô, xe máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất quy định về thải bỏ phương tiện giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO