Đề xuất phân cấp cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó đề xuất phân cấp cho UBND tỉnh Kiên Giang thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời kiến nghị chuyển giao toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư tại sân bay Phú Quốc về cho địa phương quản lý.
Tờ trình số 172/TTr-BTC do Bộ Tài chính gửi Chính phủ nhấn mạnh việc đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc là yêu cầu cấp thiết nhằm phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC 2027, dự kiến tổ chức tại thành phố Phú Quốc. Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều, quy định cụ thể việc chuyển giao tài sản thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng về cho tỉnh Kiên Giang để địa phương có thể chủ động lựa chọn và giao nhà đầu tư triển khai dự án, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu chính trị - kinh tế quốc gia.
Dự thảo nêu rõ: UBND tỉnh Kiên Giang được phép quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như điều chỉnh các dự án liên quan đến mở rộng sân bay. Các trình tự, thủ tục sẽ được thực hiện tương ứng với quy định dành cho thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Bộ Tài chính cũng đề xuất chuyển giao nguyên trạng toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư tại sân bay Phú Quốc từ Bộ Xây dựng về UBND tỉnh Kiên Giang, để địa phương tổ chức thực hiện dự án một cách hiệu quả và thống nhất. Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ là người ra quyết định thu hồi và chuyển giao tài sản. Các bên liên quan bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai.
Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc là nhiệm vụ chính trị trọng điểm, đồng thời là cơ hội chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển bền vững địa phương. Tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua đã chủ động triển khai nhiều dự án xây dựng phục vụ sự kiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ các bộ, ngành, hiện vẫn còn vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho địa phương – vấn đề chưa được quy định rõ trong Luật Đầu tư hiện hành. Trong khi đó, tổng thời gian thực hiện một dự án đầu tư theo quy trình thông thường mất từ 30 đến 40 tháng, trong khi thời gian còn lại đến Hội nghị APEC 2027 chỉ khoảng 29 tháng. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng cơ chế đặc thù, thí điểm một số chính sách linh hoạt là điều cần thiết nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Trước đó, hai nhà đầu tư tư nhân, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Tập đoàn Sun Group đã đề xuất được tham gia đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc. IPPG, đơn vị từng đầu tư và vận hành Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh, kỳ vọng sẽ góp phần đưa Phú Quốc trở thành trung tâm thương mại - du lịch mang tầm khu vực. Trong khi đó, Sun Group cũng đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dưới hình thức hợp đồng BOT.
Theo Quyết định số 427/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, sân bay này sẽ đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, với công suất thiết kế đạt 10 triệu hành khách và 25.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Hạ tầng kỹ thuật sẽ được mở rộng bao gồm: kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu lên 3.500 x 45m; quy hoạch thêm một đường cất hạ cánh mới dài 3.300 x 45m, cách đường hiện tại 360m về phía Bắc. Các loại máy bay khai thác dự kiến bao gồm Boeing B747, B787 và Airbus A350. Hệ thống tiếp cận hạ cánh áp dụng tiêu chuẩn CAT I và CAT II cho hai đầu đường băng, đảm bảo khả năng khai thác đồng bộ và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.