Đề xuất bỏ ngạch công chức, chuyển sang quản lý theo vị trí việc làm
Một trong những điểm đổi mới quan trọng trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là đề xuất bãi bỏ hệ thống ngạch công chức truyền thống, thay vào đó là mô hình quản lý cán bộ, công chức dựa trên vị trí việc làm cụ thể.
Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo luật đã được hoàn thiện và đang trong quá trình thẩm định tại Bộ Tư pháp. Nội dung nổi bật nhất là việc xác lập cơ chế quản lý công chức dựa trên vị trí việc làm, tức chức vụ, chức danh, công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị thay vì quản lý theo ngạch như trước đây.

Để tránh chồng chéo, dự thảo đã lược bỏ nội dung "gắn với cơ cấu và ngạch công chức" trong định nghĩa vị trí việc làm, đồng thời loại bỏ vai trò của ngạch công chức trong việc xác định biên chế. Cách làm này nhằm xóa bỏ tâm lý "chạy ngạch", "chạy nâng ngạch" trong công chức, tiến tới tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ dựa trên năng lực và yêu cầu công việc thực tế.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một loạt điều khoản nhằm làm rõ cơ chế vận hành của mô hình mới, như: Điều 19: Phân loại, nội dung vị trí việc làm; Điều 20: Căn cứ xác định vị trí việc làm; Điều 30: Hệ thống vị trí việc làm; Điều 31: Bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm.
Cùng với đó là những điều chỉnh về quy trình tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động quản lý công chức phù hợp với mô hình vị trí việc làm.
Hệ thống này sẽ được thiết kế theo thứ bậc, căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức, bảo đảm thống nhất trong cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, địa phương và cấp xã.
Theo đó, dự thảo luật đề xuất loại bỏ hoàn toàn các quy định liên quan đến ngạch công chức, bao gồm: bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch, nâng ngạch; thi nâng ngạch; các quy định khác về ngạch công chức trong luật hiện hành.
Đây được xem là bước chuyển đổi tư duy căn bản trong quản lý cán bộ, công chức, hướng đến một nền công vụ chuyên nghiệp, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Dù chuyển đổi mô hình quản lý, trong thời gian chưa ban hành bảng lương mới theo vị trí việc làm, các ngạch lương hiện hành vẫn tiếp tục được áp dụng, nhằm đảm bảo ổn định và tránh xáo trộn trong hệ thống.
Hiện nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm theo quy định hiện hành, nhưng vẫn còn gắn với cơ cấu ngạch và bảng lương cũ. Do đó, khi Luật sửa đổi được thông qua, các cơ quan sẽ phải hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp, từng bước chuyển sang mô hình quản lý mới theo lộ trình.
Bộ Nội vụ kỳ vọng, với việc đổi mới cách thức quản lý theo vị trí việc làm, đội ngũ công chức sẽ không chỉ đáp ứng đúng yêu cầu công việc mà còn được bố trí, sử dụng và đánh giá một cách khách quan hơn. Qua đó, góp phần xây dựng một nền công vụ hiện đại, hiệu quả và minh bạch, phù hợp với xu thế cải cách hành chính toàn diện của đất nước trong giai đoạn mới.