Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực phục hồi kinh tế TP.HCM

Anh Vĩnh| 27/10/2021 07:00

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM trên cơ sở khảo sát nhu cầu nhân lực của 21.500 lượt doanh nghiệp (DN) với 41.368 chỗ làm và 42.744 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, DN đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Việc vận hành phương thức sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường, hai điểm đến” đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại DN.

Trong quý III, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 8.397 lao động, chiếm 20,3% tổng nhu cầu, ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng cao nhất với 7,81% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 20.953 người, chiếm 50,65% tổng nhu cầu nhân lực, ngành thương mại, chiếm tỷ lệ cao nhất với 22,73% tổng nhu cầu nhân lực.

Để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay khi giãn cách xã hội kết thúc, DN đã bắt đầu xây dựng kế hoạch hoạt động, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự, trong đó có kế hoạch tuyển dụng lao động để thay thế những lao động đã nghỉ việc do dịch bệnh hoặc về quê. Tuy nhiên, với lượng lao động nhập cư về quê ồ ạt trong thời gian qua đã gây trở ngại rất lớn cho việc sắp xếp lại nhân sự trong DN.

Báo cáo trên cũng cho thấy, một số DN và người lao động đã bắt đầu quen dần với hình thức làm việc tại nhà, làm việc trực truyến, nhiều DN dần thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức tuyển dụng để có đủ nhân sự phù hợp trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều DN đã thúc đẩy xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ kinh doanh. Do vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo và chưa qua đào tạo có sự thay đổi trong quý IV. Theo đó, nhân lực qua đào tạo chiếm 87,19% tổng nhu cầu, trong đó nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%, cao đẳng chiếm 19,81%, trung cấp chiếm 26,35%, sơ cấp chiếm 19,96%. Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu.

612974-4464-1635257893.jpg

Cũng theo báo cáo trên, dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2021 cần khoảng 43.654-56.869 người. Thời điểm cuối năm, các DN đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán. Do đó, nhu cầu nhân lực quý IV/2021 tại TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, cản trở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và qua đó tái tạo việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng và kích thích đầu tư trở lại từ khu vực tư nhân.

Tại hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM 9 tháng năm 2021, vào chiều ngày 19/10/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị, thời gian tới, Thành phố nghiên cứu mở một số hoạt động như quán ăn bán tại chỗ, tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó là đánh giá kỹ lưỡng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch để mở thương mại, du lịch và những dịch vụ khác. 

Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ DN, kinh tế hộ gia đình phục hồi sản xuất, kinh doanh và tập trung triển khai các dự án đầu tư công, đảm bảo đến cuối năm phải giải ngân được 95% số vốn. Cùng với đó, tháo gỡ các vướng mắc dự án đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Và như vậy, chắc chắn nhu cầu nhân lực sẽ tăng cao.

Theo PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất của DN, đóng vai trò quyết định sự thành bại của DN. Trong khi đó, nhiều DN ở TP.HCM phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ các địa phương khác, do vậy nếu để lực lượng này hồi hương thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo bà Quỳnh Trân, trong nhiều năm qua, TP.HCM liên tục đón một lượng lớn người nhập cư, nhưng nhiều DN vẫn khát lao động. Do vậy, việc cả triệu người lao động quay trở lại quê nhà như thời gian qua sẽ làm cho cơn khát người lao động của DN càng thêm trầm trọng. 

"Đã đến lúc chính quyền TP.HCM và các cơ quan, ban ngành liên quan cần đưa ra giải pháp để khắc phục thực trạng này. Muốn DN sớm phục hồi, muốn nền kinh tế của Thành phố sớm tăng trưởng trở lại thì cần phải giải được bài toán thiếu nguồn nhân lực lao động như hiện nay", bà Quỳnh Trân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực phục hồi kinh tế TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO