Để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại

Hùng Trần| 11/01/2022 06:30

Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại là doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường", ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chia sẻ cùng phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn.

Để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại

* Ngày 1/1/2022 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo không có căn cứ mở rộng lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn của Việt Nam. Từ vụ việc này cho thấy ngành thép vẫn là ngành đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, Việt Nam càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì những vụ kiện phòng vệ thương mại càng có thể xảy ra. Đó cũng là việc bình thường trong thương mại quốc tế, nhất là đối với những ngành hàng quan trọng như ngành thép, vốn là đối tượng chủ yếu của các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới.

ong-Nghiem-Xuan-Da-3896-1641716054.jpg

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

* VSA có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép khi đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại?

- Ngày 18/11/2021, VSA nhận được thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại về việc DOC đã nhận đơn yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với loại thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sản xuất từ thép cán nguội (CRS) và thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ngày 9/12/2021, VSA nhận được thư kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, gồm Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Maruichi Sunsteel.

Ngày 13/12/2021, VSA đã đại diện ngành sản xuất, xuất khẩu tôn mạ Việt Nam gửi thư đến DOC đề nghị xem xét không áp dụng điều tra vụ việc, đồng thời gửi Công văn số 77/HHTVN kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép tôn mạ liên quan đến vụ kiện.

Vào cuối năm 2021, thông báo của DOC không có căn cứ mở rộng lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn của Việt Nam là tin vui cho ngành thép Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

* Tính từ năm 2004-2021, ngành thép Việt Nam đã đối mặt với 66 vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh nhiều FTA mà Việt Nam ký kết, rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại cũng tăng theo. Theo ông, doanh nghiệp ngành thép làm thế nào để hạn chế vấn đề này?

-  Qua theo dõi diễn biến gần đây, VSA nhận thấy các vụ kiện phòng vệ thương mại không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Điều đó cho thấy, thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại tại bất kỳ quốc gia nào.

Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại là doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Bên cạnh đó, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Thị trường thế giới càng phát triển càng không tránh khỏi những vụ kiện  phòng vệ thương mại. Do đó, cách tốt nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó một cách hiệu quả, như nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản trị dữ liệu đầu vào nguyên liệu sản xuất, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí... Phải chuẩn bị đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ hiểu biết pháp luật các nước, từ kinh nghiệm, nguồn lực của doanh nghiệp. Chuẩn bị tốt thì sẽ đạt được kết quả tốt.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO