ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Không nên quy định cụ thể danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

An Huy (tổng hợp)| 24/05/2023 07:55

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. 

-9991-1684889644.jpg

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục, tại sao chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá. Trong khi đó qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong danh mục, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết.

-5127-1684889644.jpg

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, đối với một trong các ý kiến đại biểu đã phát biểu tại phiên họp trước về việc điều tiết giá của Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất là xác đáng, nhưng không thể tiếp thu vì lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.

-1211-1684889644.jpg

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân. Giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. 

Tuy nhiên, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật, cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Không nên quy định cụ thể danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO