Đẩy nhanh thực thi các thoả thuận quốc tế sau ký kết
Chiều 17/7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ nhằm rà soát, đôn đốc triển khai các cam kết, thoả thuận ký kết trong các hoạt động đối ngoại cấp cao 6 tháng đầu năm 2025.
Theo Bộ Ngoại giao, trong nửa đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã ký hơn 250 văn bản hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao, gấp đôi cả năm 2024. Riêng quý II, gần 200 cam kết được ký kết, trải đều ở các lĩnh vực: Chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, môi trường, văn hoá… Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra 15 cam kết tự nguyện về môi trường biển và đại dương.
Việc số lượng thoả thuận tăng nhanh không chỉ phản ánh tinh thần chủ động hội nhập của các cơ quan trong nước mà còn cho thấy sự coi trọng từ các đối tác đối với hợp tác với Việt Nam. Tất cả các cam kết đều gắn với hoạt động ngoại giao cấp cao, thể hiện rõ chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành báo cáo tiến độ thực hiện các thoả thuận đã ký, nêu khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hướng xử lý, đồng thời cam kết triển khai hiệu quả, đúng tiến độ.
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị của các bộ, ngành trong quá trình đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện các thoả thuận. Ông nhấn mạnh, các cam kết quốc tế ngày càng gắn chặt với mục tiêu phát triển đất nước, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, đến nay không còn dự án tồn đọng.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát toàn bộ các thoả thuận do mình chủ trì, gửi Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền; nêu rõ tiến độ, khó khăn, thời điểm hoàn thành.

Ông quán triệt tinh thần “đã ký kết là phải thực thi”, yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian từ ký kết đến triển khai thực tế; tăng cường phối hợp liên ngành, xử lý kịp thời vướng mắc, nhất là với các dự án trọng điểm về hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao và thu hút đầu tư chất lượng cao.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần chủ động tìm kiếm đối tác ở những lĩnh vực, địa bàn còn tiềm năng hợp tác nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Phó thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về việc chuẩn bị tổng rà soát quá trình thực hiện các cam kết từ sau Đại hội XIII để rút ra bài học kinh nghiệm, phục vụ công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.